Đông Bắc Á thấp thỏm trước khả năng rút quân của Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên
(Dân trí) - Trong bối cảnh các chính sách ngoại giao đang tiến triển với tốc độ chóng mặt nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, các quốc gia Đông Bắc Á đang phải đối mặt với một vấn đề mà chỉ vài tháng trước đây ít ai nghĩ tới: Đó là việc Mỹ có thể cắt giảm hoặc rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Hàn Quốc.
Các lực lượng quân sự vốn được xem là nền tảng cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953), đồng thời đóng vai trò như một “bức tường thành” bảo vệ Hàn Quốc trước các động thái khiêu khích của Triều Tiên. Ngoài ra, sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng giúp duy trì một nền hòa bình mong manh trên bán đảo Triều Tiên, từ đó cho phép Hàn Quốc tập trung phát triển và trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy vậy, “số phận” của lực lượng này đang được đưa vào tầm ngắm sau một loạt động thái của các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ nên rút bớt binh sĩ tại Hàn Quốc nếu đồng minh châu Á không san sẻ gánh nặng chi phí với Washington. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuần trước đã bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và cam kết thúc đẩy việc ký hết một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Một số nguồn tin mới đây tiết lộ Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc chuẩn bị các phương án để rút bớt binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước. Thông tin này được đưa ra khi ông Trump và ông Kim Jong-un chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh trong vài tuần tới để đàm phán về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sự lo ngại của các nước
Theo New York Times, thông tin Mỹ có thể rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên khiến cả Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại. Tại hai quốc gia Đông Bắc Á này, nhiều người vẫn hoài nghi sâu sắc về lời hứa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên quan tới việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ cũng lo sợ rằng chính sách ngoại giao “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump có thể đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản vào tình thế “tự cứu lấy mình” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh quân sự của nước này.
“Đối với Hàn Quốc, việc chung sống bên cạnh một đất nước Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân thậm chí còn tốt hơn nhiều so với việc tồn tại mà không có quân đội Mỹ. Nếu người Mỹ rời đi, chúng tôi sẽ không có cớ để tin rằng họ sẽ bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi sẽ không còn tự tin rằng nếu chiến tranh nổ ra, chúng tôi có thể giành phần thắng”, Shin Won-sik, tướng 3 sao nghỉ hưu của Hàn Quốc, nhận định.
Kịch bản Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc xuất hiện trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến nhiều tín hiệu cho thấy sự tiến triển về mặt ngoại giao sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều gần đây.
Tại Washington, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được ấn định và các thông tin chi tiết sẽ sớm được công bố. Trong khi đó, cơ quan hàng không Liên Hợp Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường bay quốc tế, thông báo lãnh đạo của cơ quan này sẽ đến Triều Tiên trong tuần tới để thảo luận về khả năng mở các đường bay tới Hàn Quốc.
Tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in hôm qua 4/5 đã nhanh chóng có những động thái để trấn an những ý kiến lo ngại về việc rút quân của Mỹ, đặc biệt là những người lớn tuổi theo đường lối bảo thủ. Đối với họ, sự hiện diện của quân đội Mỹ là biểu tượng không thể thay thế đối với an ninh quốc gia của Hàn Quốc và những lời hứa hẹn của ông Kim Jong-un không phải là điều đáng tin. Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, thông tin nói Nhà Trắng đang xem xét rút quân khỏi Hàn Quốc là “không đúng sự thật”.
“Chính quyền Moon Jae-in không muốn sự tập trung của công chúng chuyển từ chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên sang kế hoạch rút quân của Mỹ trong khi đây lại là vấn đề chính trị gây tranh cãi. Nhưng nếu một hiệp ước hòa bình (Hàn - Triều) được ký kết, quân đội Mỹ sẽ buộc phải giảm dần quy mô. Những lý do để giữ chân họ ở lại đây khi đó sẽ không còn nữa”, Lee Byong-chul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, nhận định.
Người Hàn Quốc phản đối
Những tiếng nói bảo thủ tại Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Họ cho rằng kịch bản này sẽ khiến Hàn Quốc phải đương đầu với nhiều đối thủ tiềm tàng thậm chí còn mạnh hơn cả Triều Tiên như Trung Quốc và Nhật Bản - những nước từng nhiều lần xâm chiếm Hàn Quốc trong suốt hàng thế kỷ qua.
Mặc dù lực lượng hải quân và không quân của Hàn Quốc vượt trội hơn Triều Tiên, song về tổng thể Bình Nhưỡng có lực lượng quân sự mạnh hơn nhiều so với Seoul. Triều Tiên được cho là sở hữu kho vũ khí hóa học và hạt nhân cùng các tổ hợp pháo, rocket và tên lửa có thể tấn công Seoul, thành phố 10 triệu dân, bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Hàn Quốc không được trang bị vũ khí hạt nhân.
Trong hàng chục năm qua, quân đội Mỹ đã bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản dưới ô hạt nhân của Washington, đồng thời chia sẻ hoạt động giám sát quân sự công nghệ cao và tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên để chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản xung đột nào xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng việc từ bỏ ô bảo hộ này sẽ là một viễn cảnh đáng lo ngại, ngay cả khi nền hòa bình được thiết lập trên đảo Triều Tiên.
“Lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở lại Hàn Quốc và thị trường chứng khoán Hàn Quốc không chao đảo ngay cả khi Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh quân sự và Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân là nhờ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây”, chuyên gia Shin, người từng là chiến lược gia hàng đầu của quân đội Hàn Quốc trước khi nghỉ hưu năm 2015, nhận định.
“Nếu họ (Mỹ) có động thái làm lay chuyển quan hệ đồng minh để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng kinh tế trước khi xảy ra một cuộc khủng hoảng an ninh”, ông Shin nói.
Thông tin Mỹ rút quân được đưa ra trong bối cảnh Seoul và Washington đang đàm phán về việc Hàn Quốc sẽ phải đóng góp thêm bao nhiêu so với con số 800 triệu USD/năm mà nước này đang chi trả để duy trì hoạt động của 28.500 binh sĩ Mỹ tại đây. Tổng thống Trump muốn Hàn Quốc phải chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ, nhưng Seoul dường như chưa sẵn sàng cho việc này.
Giới chức Hàn Quốc gần đây cho biết Triều Tiên không đặt điều kiện Mỹ phải rút quân trong các cuộc đàm phán với Seoul và Washington. Trước đây giới chức Triều Tiên từng tuyên bố với những người đồng cấp Hàn Quốc và Mỹ rằng, họ có thể ủng hộ việc Mỹ duy trì quân đội tại Hàn Quốc nếu Washington và Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ và lực lượng quân sự Mỹ đóng vai trò “gìn giữ hòa bình” để ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự thống trị khu vực.
Tác động tới Nhật Bản
Theo các chuyên gia, kịch bản Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng sẽ tác động tới Nhật Bản - nơi có khoảng 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú.
Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc phô diễn sức mạnh quân sự và bản thân ông Abe cũng đang nỗ lực để sửa đổi điều khoản về đường lối hòa bình trong hiến pháp. Hôm 3/5, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã công bố đoạn video, kêu gọi sửa đổi hiến pháp để “hợp pháp hóa” Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành lực lượng quân đội. Hiến pháp Nhật Bản cấm việc thành lập lực lượng quân đội chính quy và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ đóng vai trò như một đơn vị vũ trang không chính thức mang mục đích phòng vệ.
Văn phòng Thủ tướng Abe hôm qua cũng nhấn mạnh “sự cần thiết” của các lực lượng quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực. Nếu Mỹ chính thức rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng Abe càng có thêm động lực để thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, viện dẫn việc Mỹ giảm bớt hiện diện trong khu vực. Tuy nhiên, công chúng Nhật Bản từ lâu đã phản đối việc sửa đổi hiến pháp. Hàng nghìn người trong tuần này đã biểu tình tại Tokyo để phản đối đề xuất này.
Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc từ lâu đã muốn các lực lượng Mỹ rời khỏi Hàn Quốc và việc Washington giảm bớt quy mô quân sự hoặc “rút chân” hoàn toàn đều có thể dẫn tới sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trong khu vực.
“Việc chấm dứt sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc có thể đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình tan rã liên minh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Nếu mạng lưới liên minh của Mỹ không còn nữa, Trung Quốc sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều”, Giáo sư quan hệ quốc tế Cheng Xiaohe tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định.
Thành Đạt
Theo New York Times