Đàm phán Moscow thất bại, Thổ dừng bước tại Manbij?
Lực lượng quân cảnh Nga cũng sẽ tiến vào đảm bảo an ninh trong Manbij và công binh Nga tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn.
Nga-Syria không rút quân
Lực lượng công binh quân đội Nga, bắt đầu sứ mệnh rà phá bom mìn và vũ khí nổ tự chế của IS trên khu vực ngoại vi thành phố Manbij phía đông Aleppo sau thỏa thuận trao đổi quyền kiểm soát thành công giữa quân đội Syria (SAA) và Lực lượng Dân chủ Syria, tiến hành vào cuối tuần trước.
Hãng tin độc lập ANNA News ngày 11/3 công bố một video, ghi lại cảnh những binh sĩ công binh tiền trạm của quân đội Nga bắt đầu sứ mệnh rà phá bom mìn phía tây thành phố Manbij.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, chủ lực là lực lượng dân quân người Kurd YPG đã giải phóng Manbij năm ngoái. Ngay sau đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đe dọa tấn công thành phố này.
Sau khi chiếm giữ thành phố Al-Bab từ lực lượng khủng bố IS, lực lượng liên minh quân sự các nhóm thánh chiến được Ankara hậu thuẫn và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tổ chức các hoạt động quân sự và tuyên bố sẽ đánh chiếm thành phố Manbij cùng khu vực lân cận từ lực lượng SDF.
Để ngăn chặn ý đồ xâm nhập sâu vào lãnh thổ Syria của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng lãnh đạo người Kurd thông qua trung gian là quân đội Nga đã chuyển bàn giao một vùng diện tích vành đai an ninh thành phố cho quân đội Syria.
Hai bên cùng tiến hành các hoạt động kiểm soát và bảo vệ. Theo thỏa thuận này thì lực lượng quân cảnh Nga cũng sẽ tiến vào đảm bảo an ninh trong Manbij và công binh Nga tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn, vũ khí nổ tự chế.
Như vậy, chuyến thăm Nga trong hai ngày 9 và 10/3 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không tìm được tiếng nói chung với Moscow trong vấn đề Syria, đặc biệt là việc phá thế chân vạc tại Manbij.
Ankara có thể đã đặt nhiều kỳ vọng vào việc Nga-Syria cho rút quân ra khỏi Tây Manbij nhường chiến tuyến cho Thổ-Kurd sau chuyến thăm Nga của ông Erdogan. Cuối cùng điều đó đã không xảy ra và chiến dịch Lá chắn Euphrates của Thổ đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Lực lượng công binh Nga rà phá bom mìn trên vùng ngoại ô Manbij:
Moscow từng đáp ứng yêu cầu của Ankara về lập một vùng đệm an ninh ở trong lãnh thổ Syria. Đến nay, mục đích mà ông Erdogan công bố công khai là lập một vùng đệm ''không khủng bố'' nằm sâu trong lãnh thổ Syria từ 5-10km đã được hiện thực hóa, thậm chí còn nhiều hơn thế. Thổ Nhĩ Kỳ không còn lý do gì để tiếp tục tiến quân.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lấn tới, Syria sẽ không thể chấp thuận được "hành động xâm lược" này và Nga cũng không thể tiếp tục im lặng khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ của đồng minh. Do đó, ông Putin sẽ không để ông Erdogan tiếp tục chơi thêm ván bài Manbij hay xa hơn là thủ phủ của IS - Raqqa.
Thổ sẽ phải dừng lại?
Giới chuyên gia nhận định rằng, hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Manbij sẽ không thuận lợi như cuộc chiến chống IS ở al-Bab, sẽ là một sai lầm chiến lược lớn nếu quân đội nước này quyết định mở chiến dịch tấn công Manbij.
Sự khác biệt và đối lập giữa hành động chống tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo (IS) của Thổ Nhĩ Kỳ (ở al-Bab) trong khuôn khổ chiến dịch Lá chắn Euphrates và việc tiến đánh người Kurd - lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS (ở Manbij) là quá lớn.
Sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại al-Bab còn được biện minh là cố gắng của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm an ninh cho khu vực biên giới của mình. Việc Ankara tiến đánh IS khiến Nga và Mỹ buộc phải chấp thuận, đồng thời quân đội Syria cũng không thể phản đối.
Tuy nhiên, hoạt động quân sự chống người Kurd tại Manbij sẽ bị cộng đồng thế giới xem như một "cuộc xâm lược Syria" và Ankara sẽ không nhận được bất cứ sự ủng hộ của ai. Việc lựa chọn Manbij làm mục tiêu tiếp theo là sai lầm cực lớn và đó sẽ là một thất bại chiến lược.
Ông Erol Myuterdzhimler - chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược quân sự cho rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đánh người Kurd và Quân đội Syria ở Manbij thì họ đã trở thành kẻ thù của cả 2 lực lượng này, và cơ hội để quân đội nước này được tham dự chiến dịch giải phóng Raqqa là bằng 0, bởi Syria và người Kurd sẽ không bao giờ chấp thuận.
Để tiến được tới Raqqa, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải đánh tan lực lượng của YPG và SAA ở Manbij, sau đó tiếp tục đánh xuống phía Nam để sang Raqqa, mở rộng quy mô can thiệp quân sự ở Syria, phơi bày sự thật về một cuộc chiến tranh xâm lược Syria.
Trong trường hợp giành được lợi thế trước người Kurd và Quân đội Syria, Thổ sẽ phải đối mặt với hai ông lớn phía sau là Nga và Mỹ. Họ sẽ không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ ngang nhiên tàn sát đồng minh của mình.
Chuyên gia Myuterdzhimler cho rằng, có thể các tướng lĩnh có tư duy tỉnh táo trong Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thuyết phục Chính phủ từ bỏ tham gia vào chiến dịch mạo hiểm này. Theo nguồn tin riêng của ông, giới lãnh đạo quân đội nước này không tán thành sự tham gia của đất nước vào chiến dịch giải phóng Raqqa.
Theo ông Myuterdzhimler, khủng hoảng Syria là quá phức tạp, quá trình đàm phán hòa bình ở Syria đòi hỏi phải có sự nhượng bộ và thỏa hiệp. Thổ Nhĩ Kỳ không thể áp dụng các biện pháp quân sự cứng rắn đối với người Kurd và Quân đội Syria, để đứng trước nguy cơ đối đầu với cả Nga lẫn Mỹ.
Theo Trung Dũng
Đất Việt