Công dân EU tại Anh hoang mang hậu Brexit
Lo sợ, bối rối, hoang mang… chính là những tâm trạng của Anna Woydyla, một nhân viên nhà hàng người Ba Lan tại London kể từ khi nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Liệu hai đứa con đang tuổi ăn học của chị, những người đã trưởng thành tại Anh, vẫn đủ điều kiện vay nợ để tiếp tục theo học tại các trường đại học ở Anh? Liệu chị và chồng, sau 11 năm làm việc ở đây, sẽ phải bán ngôi nhà mà họ vừa mới mua? Từ bỏ công việc? Từ bỏ quê hương mới của họ? Cố gắng để xin trở thành công dân Anh?
Anna (41 tuổi) chỉ là một trong số hàng trăm ngàn lao động EU tại Anh đang lo sợ và hoang mang trước những gì sắp xảy ra khi quốc gia mà họ đang sinh sống bắt đầu tiến trình gỡ bỏ các mối quan hệ với lục địa châu Âu.
“Nếu chỉ có mình tôi, tôi có thể trở về Ba Lan”, Anna nói với hãng thông tấn AP khi chị đang đứng tại một quầy bar trong một nhà hàng Ý ở quận Camden, London.
“Nhưng đối với các con tôi, Anh thân thuộc hơn Ba Lan. Chúng thậm chí còn không muốn về quê trong các kỳ nghỉ và thường xuyên dùng tiếng Anh để trò chuyện với nhau”.
Phần lớn các doanh nhân, người lao động, sinh viên ngoại quốc - những người đã coi Vương quốc Anh là nhà kể từ khi Anh mở biên giới với các quốc gia EU láng giềng - giờ đang cảm thấy tương lai của họ thật bấp bênh.
Những người nhập cư đã thay đổi bộ mặt của nước Anh, biến khu Kensington của London trở thành một vùng ngoại ô của Paris và khiến những kệ hàng tại các siêu thị trên khắp đất nước này ngập tràn các loại bia Ba Lan và xúc xích Wiejska.
“Cá nhân tôi không thể nói điều gì sẽ mang tới sự thay đổi đối với tôi”, Andrea Cordaro, một sinh viên 21 tuổi tới từ Ý, nói. Cordaro đã ví cú sốc khi nghe tin về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý giống như cảm giác biết mình thi trượt. “Tôi sẽ phải giữ bình tĩnh và hy vọng về những điều tốt nhất”.
Laurence Borel (36 tuổi), một chuyên gia tư vấn thị trường kỹ thuật số tới từ Pháp, không chờ đợi để xem điều gì sẽ xảy ra. Cô đã xin hộ chiếu Anh vào tháng 5 vừa qua, sau 15 năm sinh sống tại đất nước này.
“Tôi cá là nhiều người đang nộp đơn”, cô nói, đồng thời giải thích rằng cô đã có ý định xin hộ chiếu từ lâu nhưng cuộc trưng cầu dân ý càng thôi thúc cô hơn.
“Tôi không muốn trở về Pháp”, cô nói. “Cuộc sống của tôi là ở đây”.
Tại các công sở và trường học trên khắp nước Anh, các nhà quản lý đã gửi đi những email tới các nhân viên, sinh viên ngoại quốc đang lo lắng và cam đoan với họ rằng, cho tới lúc này, vẫn chưa có gì thay đổi.
“Tiến trình chính thức để rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ mất ít nhất 2 năm”, Đại học Oxford thông báo. “Các nhân viên và sinh viên có thể được đảm bảo trong thời gian ngắn, chúng tôi không có kế hoạch làm gián đoạn công việc và việc học tập của họ”.
Tuy nhiên, về lâu dài, cuộc sống của ước tính hơn 3 triệu công dân EU đang sống tại Anh có lẽ sẽ bị thay đổi ít nhiều. Một điều tra của Financial Times cho thấy nếu luật di trú hiện hành của Anh áp dụng cho các công dân EU, đại đa số sẽ mất việc và buộc phải rời khỏi Anh. Đó có lẽ là một tin đáng buồn đối với những người pha chế Tây Ban Nha, những người hái dâu Romania, những nhà đầu tư người Đức cũng như các ngành công nghiệp dựa vào họ.
Chịu tác động lớn nhất của việc Anh rời khỏi EU có lẽ là người Ba Lan, nhóm công dân EU lớn nhất tại Anh. Ước tính hiện có khoảng 850.000 người tới từ Ba Lan đang ở Anh.
Theo luật của Anh, những người nhập cư EU đã sống ở Anh hơn 5 năm có thể xin trở thành công dân vĩnh viễn. Tuy nhiên, thực tế ít công dân EU bận tâm tới điều đó khi hộ chiếu của họ cho phép họ đi du lịch không cần xin thị thực và dễ dàng tiếp cận với nền giáo dục, chăm sóc y tế cũng như các dịch vụ khác ở Anh.
Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, một nhóm cố vấn có trụ sở tại Warsaw, ước tính 400.000 người Ba Lan đã tới Anh sau năm 2012. Mặc dù lộ trình phía trước vẫn chưa rõ ràng, có thể họ cùng với hàng trăm ngàn người tới từ các quốc gia EU khác, phải xin thị thực lao động và nếu bị từ chối, họ sẽ phải rời khỏi Anh.
Nhận thấy sự lo lắng của những người lao động EU, Thị trưởng London Sadiq Khan, người ủng hộ phe “ở lại”, đã ban hành một thông điệp đặc biệt gửi tới gần 1 triệu công dân EU đang sống ở London.
“Chúng tôi rất biết ơn những đóng góp khổng lồ mà các bạn đem lại cho thành phố và điều đó sẽ không thay đổi chỉ vì kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này”, ông nói. “Các bạn được chào đón ở đây”.
Không phải tất cả các lao động EU tại Anh đều hoảng sợ hay lo lắng.
“Tôi cảm thấy tốt. Rời EU cũng là một ý hay”, GabrielIonut (24 tuổi), tới từ Bucharest, Romania nói. Hiện anh đang làm quản lý giao thông tại một công trường xây dựng ở London. Anh đã làm việc tại Anh 4 năm và với một giấy phép cư trú trong tay, anh tự tin về cơ hội ở lại của mình.
“Giờ đây họ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn và chỉ cho phép những người thực sự tốt ở lại”, anh nói. “Và họ cũng có thể sẽ ngăn được nhiều người tị nạn tới từ Trung Đông”.
Trong khi đó, một nhân viên xây dựng người Romania khác nói rằng anh cảm thấy khá lúng túng.
Iosif Achim (32 tuổi) tới từ Satu Mare, Romania đã ở Anh 6 năm nhưng anh không quan tâm tới việc xin giấy phép cư trú.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”, Achim nói. “Nhưng theoquan điểm của tôi thì chuyện này đang trở nên xấu đi”.
Theo Sầm Hoa
Vietnamnet