1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hậu Brexit: Nước Anh sẽ đi về đâu?

(Dân trí) - Theo giới phân tích, về tổng thể được mất khi rời khỏi EU, nước Anh mới chỉ toan tính nhiều trên các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như, thương mại, đầu tư, việc làm và vị thế tài chính…, nhưng những vấn đề khác vẫn chưa được làm sáng tỏ như nông nghiệp, hàng xuất khẩu, lao động kỹ thuật cao dịch chuyển từ các nước khác trong khối tới, điều quan trọng hơn là vị thế an ninh, quốc phòng, vấn đề ly khai của xứ Wales, Scotland và có thể cả Bắc Ireland…


Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời Eu (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời Eu (Ảnh: AFP)

Như vậy, với đa số phiếu (52%) nói “có” với Brexit, người dân Anh đã chọn con đường rời khỏi EU, khiến giới nghiên cứu, các chính trị gia và dư luận quốc tế không khỏi bị “sốc”, bởi vì hồi tháng 2 năm nay các nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng Anh Cameron đã có sự thỏa thuận, với sự nhượng bộ đáng kể từ phía EU đối với Anh, nhất là một cơ chế đặc thù để có thể thuyết phục cử tri nước này bỏ phiếu ở lại với EU.

Tuy nhiên, khi kết thúc ngày bỏ phiếu 23/6, hơn 17,4 triệu cử tri Anh quyết định “dứt áo” ra đi để bảo vệ lợi ích của mình. Kẻ mừng, người lo, trong khi thị trường chứng khoán thế giới rung lắc mạnh. Và câu hỏi hậu Brexit nước Anh sẽ đi về đâu đã được đặt ra.

Châu Âu “đau buồn”

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cùng Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi đây là “một ngày đau buồn đối với châu Âu” và EU thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi châu lục này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, một chính trị gia rất có uy tín thuộc đảng CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong Liên minh cần phải đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. Ông Schäuble nhấn mạnh EU sẽ cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với các nước trong nhóm G-7 sau vụ việc ngày 23/6.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện EU Elmar Brok coi quyết định của cử tri Anh là một sai lầm và là “phát súng cảnh báo” đối với 27 quốc gia EU còn lại, ông nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một EU như kỳ vọng của người dân châu lục. Còn nguyên thủ các nước Đức, Nhật Bản… đã phải triệu tập họp khẩn cấp để đối phó với những biến động do Brexit gây ra.

Ngay sau khi có kết quả chính thức về Brexit, giá trị của đồng bảng Anh lập tức giảm 10% mức thấp nhất kể từ năm 1985, giá trái phiếu chính phủ Anh cũng “lao dốc” xuống mức thấp kỷ lục mới, BOE đã phải ra tuyên bố khẳng định đang theo sát các diễn biến trên thị trường, và còn tính tới khả năng hoán đổi ngoại tệ và giảm lãi suất để “trấn an” nền kinh tế Anh.

Thị trường thế giới đã trải qua cơn “tài chấn” rung lắc mạnh. Thị trường chứng khoán thế giới đã ngập tràn “sắc đỏ”. Đây là những diễn biến chưa từng có, khiến nhiều nhiều tỷ USD của các nhà đầu tư bay khỏi thị trường vốn hóa sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.

Người Anh "chuếnh choáng"

Những người ủng hộ Brexit trước đó cũng nhận ra rằng, việc rời khỏi EU nước Anh sẽ có nhiều lợi ích kinh tế hơn trong dài hạn. Và tất nhiên, trước mắt phải chấp nhập một số rủi ro như: trung tâm tài chính City of London sẽ bị ảnh hưởng, nhưng họ cho rằng không đến mức thảm họa, và sau đó sẽ có lợi, khi giao dịch với các nền kinh tế thế giới và nhất là các nước mới nổi.

Theo đó, nước Anh có thể tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, không phải đóng góp 55 triệu Bảng mỗi ngày; giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp; và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định bất lợi của EU:

Một là, Anh sẽ thoát khỏi sự “bóp nghẹt” của EU. Vì kinh tế Anh mạnh hơn (đồng Euro chỉ bằng 70% giá trị đồng bảng Anh), sẽ phát triển tốt hơn nếu không không nằm trong EU. Việc rời khỏi EU còn khiến Anh không phải bỏ đồng bảng và dùng đồng euro vào năm 2020 như quy định trước đó.

Hai là, người Anh sẽ bảo toàn được phúc lợi, vì không phải chia sẻ cho những người thuộc các nước khác trong khối dịch chuyển đến làm việc tại Anh.

Ba là, chủ quyền quốc gia của Anh được toàn vẹn hơn, không phải mất đi một số chủ quyền theo luật lệ chung của EU như các thỏa thuận thương mại, luật pháp và cơ chế quản lý…

Bốn là, nước Anh không phải đổi 13 tỷ bảng (phí thành viên) để lấy 4,5 tỷ Bảng (đầu tư lại của EU). Việc mất đi 8,5 tỷ Bảng (12,4 tỷ USD) là con số không hề nhỏ.

Ông Nigel Farage, thuộc đảng Độc lập cho rằng, nước Anh cần rời khỏi EU, để kiểm soát chặt biên giới, tự điều hành đất nước và chấm dứt tình trạng mỗi ngày phải đóng góp tới nửa tỷ bảng cho EU. Theo giới phân tích, những cái lợi về kinh tế thì có thể đong đếm được, tuy nhiên những bất lợi sẽ nảy sinh thì chưa ai có thể lường trước vì thế sự chuếnh choáng của những người “chiến thắng” là có thể hiểu được.

Và hậu quả khó lường

Theo giới phân tích, về tổng thể được mất khi rời khỏi EU, nước Anh mới chỉ toan tính nhiều trên các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như, thương mại, đầu tư, việc làm và vị thế tài chính…, nhưng những vấn đề khác vẫn chưa được làm sáng tỏ như nông nghiệp, hàng xuất khẩu, lao động kỹ thuật cao dịch chuyển từ các nước khác trong khối tới, điều quan trọng hơn là vị thế an ninh, quốc phòng, vấn đề ly khai của xứ Wales, Scotland và có thể cả Bắc Ireland…

Cử tri Anh khi ủng hộ Brexit, họ chỉ quan tâm nhiều đến các quy chế giàng buộc của EU, sự tác động của toàn cầu hoá, khủng hoảng tài chính, nợ công, nạn di dân và khủng bố… Giới quan sát Anh cho rằng, những người nói “có” với Brexit đa số thuộc về các tầng lớp người nghèo, người già trên 60 tuổi, muốn thay đổi các thể chế chính trị, nhưng giữ lại các quyền lợi vật chất. Trong khi đa số cử tri các thành phố ủng hộ ở lại EU thì ngược lại đa số cử tri nông thôn lại tán thành Brexit.

Thủ tướng Anh David Cameron, thoạt đầu có thái độ phải đối EU nhưng đến năm 2016 ông quay sang cổ vũ cho việc ở lại khối này. Hệ quả là làm phân hóa trong nội các của ông, với 7 bộ trưởng cương quyết đòi Anh rời khỏi EU.

Về ngoại thương theo thống kê năm 2015, Anh xuất khẩu 705 tỷ Euro, (với EU 44%) và nhập khẩu là 755 tỷ Euro (với EU là 53%). Các đối tác ngoại thương chính của Anh là Đức (là 158 tỷ Euro), Hà Lan (101 tỷ), Pháp (93 tỷ), Irland (61 tỷ), Tây Ban Nha (53 tỷ). Vậy hậu Brexit các hoạt động trên sẽ ngưng trệ. Điều quan trọng hơn là trong 2 năm tới sẽ khó có đầu tư mới.

Đức hiện có 2.500 xí nghiệp với 270.000 nhân viên sống và làm việc tại Anh. Ngược lại có khoảng 3.000 doanh nghiệp Anh đang hoạt động tại Đức. Theo một thăm dò trước ngày 23/6 có 83 % doanh nghiệp Đức phản đối việc ra đi, doanh nghiệp Anh cũng có 76% phản đối tuơng tự.

Ngoài ra còn phải tính tới hơn 3 triệu người dân EU sống và làm việc tại Anh, trong đó đáng kể nhất là người Ba Lan (830.000 người) được coi là gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội của Anh. Theo một ước lượng thì 50% các hoạt động dich vụ tài chính quốc tế tại London cũng sẽ suy giảm nghiêm trọng.

Trước đó, BOE cũng dự báo việc rời khỏi EU - thị trường tiêu thụ tới 50% hàng hóa xuất khẩu của Anh, có thể dẫn tới những hậu quả với nền kinh tế của nước này như, tỷ lệ lạm tăng phát do thị trường rối loạn. Thống đốc BOE nhận đã phải chuẩn bị đối mặt với viễn cảnh suy thoái ít nhất là từ nay đến cuối năm 2016.

Điều 50 của Hiệp ước Lisbon có quy định thủ tục ra đi: "Mỗi quốc gia thành viên có quyền quyết định phù hợp với Hiến Pháp để rời khỏi EU”. Theo đó, phải mất 2 năm với các thủ tục phức tạp để Anh có thể rời khỏi EU vĩnh viễn.

Như vậy, Brexit đồng nghĩa với việc Anh tự ý bỏ quyền lợi tại thị trường EU với 500 triệu dân, tự cô lập chính trị và bắt đầu phải đàm phán lại các vấn đề mậu dịch quốc tế với vị thế không còn như trước. Vai trò quốc tế của Anh cũng phải xây dựng lại gần như từ đầu. Vì thế câu trả lời, hậu Brexit nước Anh sẽ đi về đâu vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm