Cố tình bắn hạ MiG-21 Syria trước ngày hòa đàm Geneva?
Nhóm phiến quân Jaish al-Nasr cung cấp đoạn video thể hiện đã bắn hạ máy bay MiG-21 Syria, khẳng định điều mới ở hòa đàm Syria 14/3?
Nhiều nguồn thông tin mâu thuẫn nhau và nghi vấn đặt ra trong vụ bắn hạ tiêm kích MiG-21 của quân đội chính phủ Syria song nhóm phiến quân hoạt động ở khu vực miền đông, tỉnh Hama đã cung cấp các đoạn phim cho thấy chính họ đã bắn rơi chiếc máy bay bằng súng máy phòng không.
Phiến quân Syria và một nhóm giám sát xung đột khẳng định rằng chiếc máy bay bị các chiến binh nổi dậy bắn rơi, nhưng mâu thuẫn về loại vũ khí được sử dụng để thực hiện điều đó.
Video: MiG-21 bị bắn bởi chiến binh Hồi giáo từ Jaish al-Nasr
Để chứng minh, các chiến binh Jaish al-Nasr đăng nhiều hình ảnh trên Twitter ngay sau khi vụ tai nạn gồm cảnh máy bay rơi và phi công nhảy dù. Tất cả đều được gắn logo của tổ chức.
Một đoạn video chưa được xác nhận, trong đó quân nổi dậy nói rằng họ đã bắn rơi MiG-21 của quân đội Syria đã xuất hiện trên YouTube.
Tuy nhiên, rất khó xác định tính xác thực của đoạn video. Những chiếc dù trong clip khá giống với loại dùng để gửi viện trợ nhân đạo, RT cho biết thêm.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik của Nga dẫn các nguồn tin quân sự cũng mâu thuẫn nhau về số lượng thiệt hại. Theo đó, sau khi máy bay bị trúng đạn, một phi công đã nhảy dù và hạ cánh tại làng al-Magir do quân đội Syria kiểm soát. Phi công thứ hai đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp ở sân bay quân sự Hama nhưng không thành công và đã chết.
Khu vực Hama trong tuần qua đã ghi nhận các cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội chính phủ Syria và các chiến binh từ hai nhóm khủng bố chính hoạt động tại Syria là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Nusra có liên hệ với al-Qaeda.
Một nguồn tin trong giới quân sự Syria nói với hãng tin Al Masdar News của nước này rằng máy bay không phải bị bắn mà rơi do một lỗi kỹ thuật.
Dù chưa có một thông tin chính thức nào được đưa ra, song việc nhóm phiến quân nào thực hiện vụ bắn hạ này cũng là một động thái mới đầy lo ngại trong tình hình thực hiện hòa đàm Syria được biết sẽ diễn ra vào ngày 14/3.
Sau 2 tuần thỏa thuận ngừng bắn Geneva được thực hiện giữa các bên liên minh chống khủng bố do Nga, Mỹ dẫn đầu, quân đội chính phủ Syria và nhóm phiến quân nổi dậy ngoại trừ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm al-Nusra có liên hệ với al-Qaeda, một đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva hôm 14/3 với sự tham gia của các nhóm đối lập chính sẽ là một bước tiến mới dẫn tới hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Hiện nay, tạm thời lệnh ngừng bắn đã làm giảm tình hình bạo lực dù những cuộc chiến vẫn chưa thật sự kết thúc, khi sự thù địch vẫn được ghi nhận ở phía tây Syria hôm 10/3, cùng với những cuộc chiến chống lại lực lượng IS ở phía đông.
Một ủy ban thương lượng cấp cao cho biết, vòng đàm phán hòa bình tới đây như là một phần nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đổ máu ở Syria và tìm ra một giải pháp chính trị. Dù vậy, điều này chưa hề đảm bảo cơ hội đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria để kết thúc cuộc chiến, đồng thời giải quyết một cuộc khủng hoảng liên quan đến làn sóng người tị nạn ở Trung Đông và Châu Âu.
Dù vậy, cuộc đàm phán không đề cập tới các điều kiện thuộc "vùng cấm" như số phận của tổng thống Syria Bashar al-Assad và việc tổ chức bầu cử tổng thống trong thời gian tới, theo BBC.
Bên phía các nhóm đối lập chỉ trích điều kiện để đàm phán của chính quyền Syria sẽ dập tắt mọi cuộc đối thoại ngay trước khi chúng thực sự bắt đầu.
Ủy ban đàm phán cấp cao Syria (HNC) đại diện cho nhóm vũ trang quân đội Syria tự do và các nhóm đối lập khác cho biết họ sẽ thúc đẩy cho việc thành lập một chính phủ lâm thời với quyền hành đầy đủ trong khi chính quyền Assad sẽ không đóng vai trò nào trong thời gian tới.
Thậm chí, trong thời gian thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria giữa các bên, Nga vẫn đang tích cực tiếp sức quân chính phủ Assad tiến hành các hoạt động không kích nhằm vào phiến quân IS.
Hãng thông tấn Farsnews của Iran đưa tin, dưới sự yểm trợ của Nga, quân đội Syria và các đơn vị đồng minh đã khôi phục hoàn toàn an ninh trên phần còn lại của tuyến đường chiến lược Khanasser-Aleppo-Ithriya ở tỉnh miền bắc Aleppo.
Như vậy, khi mâu thuẫn đã dâng lên một lần nữa giữa nhóm đối lập với phe chính phủ Syria, việc nhóm này thực hiện một hành động bắn hạ máy bay của quân đội chính phủ sẽ càng làm cho tình hình nước này rơi vào bế tắc.
Theo Đông Phong (Tổng hợp)
Đất Việt