1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyến đi nhiều mục tiêu của tổng thống Mỹ

Giới chức Nhà Trắng chuyển sang sử dụng "Ấn Độ - Thái Bình Dương" thay cho "châu Á - Thái Bình Dương" trước khi ông Donald Trump đến châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-11 (giờ địa phương) bắt đầu chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất kể từ khi vào Nhà Trắng - đến 5 nước châu Á trong 10 ngày.

Tâm điểm Triều Tiên

Theo đài NBC News, mục đích của chuyến công du là tăng cường quan hệ ngoại giao, kinh tế trong lúc tìm kiếm giải pháp đối phó mối đe dọa của Triều Tiên. Hôm 2-11, ông H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói cụ thể hơn về một số mục tiêu chính của chuyến đi: thuyết phục các nhà lãnh đạo tại khu vực tăng cường cô lập Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế trong nỗ lực ép nước này từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, cải thiện sự thịnh vượng của Mỹ thông qua những tập quán thương mại, kinh tế công bằng.

Chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn đứng đầu chương trình nghị sự trong phần đầu tiên của chuyến công du khi ông Donald Trump lần lượt thăm Nhật Bản (ngày 5-11), Hàn Quốc (7-11) và Trung Quốc (8-11). Dư luận đang quan tâm Washington sẽ làm gì tiếp theo trong cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng. Cùng với lời cảnh báo thế giới "sắp hết thời gian" để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, ông McMaster tuyên bố Mỹ đang cân nhắc đưa nước này trở lại danh sách "những quốc gia tài trợ khủng bố" nhằm gây sức ép hơn nữa lên Bình Nhưỡng về tài chính và ngoại giao.

Trên mặt trận quân sự, máy bay ném bom B-1 của Mỹ cùng với chiến đấu cơ Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 2-11 tiến hành tập trận gần bán đảo Triều Tiên, dẫn đến chỉ trích mạnh mẽ của Bình Nhưỡng. Đến ngày 13-11 tới, 3 tàu sân bay Mỹ sẽ tập trận chung lần đầu tiên tại Thái Bình Dương trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chịu xuống thang. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vừa ghi nhận xe cộ tới lui nhiều tại một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Bình Nhưỡng, qua đó báo hiệu nước này có thể đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo.


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu khi đề cử ông Jerome Powell làm chủ tịch mới của Cục Dự trữ Liên bang hôm 2-11 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu khi đề cử ông Jerome Powell làm chủ tịch mới của Cục Dự trữ Liên bang hôm 2-11 Ảnh: REUTERS

Đổi tên khu vực

Trong phần thứ 2 của chuyến đi, điểm nóng Triều Tiên sẽ nhường sân cho vấn đề kinh tế, thương mại khi ông Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam (ngày 10-11) và Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines (ngày 12-11). Theo hãng tin AP, ông chủ Nhà Trắng không hề che giấu chuyện ông muốn thỏa thuận thương mại song phương hơn đa phương và đây dự kiến là nội dung được thảo luận tại các điểm dừng chân của chuyến đi.

Không chỉ điều chỉnh chính sách đối ngoại ở châu Á bằng quan điểm khác biệt về thương mại và lập trường cứng rắn với Triều Tiên, chính quyền ông Donald Trump còn cho khu vực này cái tên hoàn toàn mới. Bằng cách sử dụng "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", theo AP, Washington muốn phổ biến ý tưởng khu vực này trải rộng ra bên ngoài "sân sau" của Trung Quốc và các "nền kinh tế hổ" của Đông Á.

Trong nhiều thập kỷ qua, vùng đại dương và lục địa kéo dài từ Úc đến Ấn Độ được Washington gọi là "châu Á - Thái Bình Dương". Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho chuyến công du trên, giới chức và bản thân ông chủ Nhà Trắng chuyển sang sử dụng "Ấn Độ - Thái Bình Dương" thay cho "châu Á - Thái Bình Dương". Khi thông báo với các phóng viên về chuyến đi hôm 2-11, ông H.R. McMaster thường xuyên nói đến "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Trước đó 1 ngày, ông Donald Trump cũng dùng từ này khi phát biểu tại một cuộc họp nội các.

Hai tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thậm chí còn nói "Ấn Độ - Thái Bình Dương" 15 lần khi phát biểu về việc tăng cường quan hệ chiến lược với Ấn Độ, vốn có cùng nỗi lo với Washington về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa cho biết đây có phải là thay đổi trong chính sách của chính quyền ông Donald Trump hay không.

Bản thân thuật ngữ này không quá mới, từng được sử dụng bởi một số chuyên gia về chính sách đối ngoại và các nước Ấn Độ, Indonesia, Úc. AP bình luận động thái trên có thể không giúp xoa dịu nỗi lo nước Mỹ thời ông Donald Trump bớt "xoay trục" sang châu Á nhưng lại có thể gây ra không ít bối rối.

Căng thẳng báo trước

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster ngày 2-11 cảnh báo Trung Quốc về việc cho máy bay ném bom bay gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ gần đây. "Mỹ cho rằng bất cứ hoạt động quân sự nào như thế cũng không phải là lợi ích của Trung Quốc. Tôi tin Trung Quốc cũng nhận thấy tương tự" - ông McMaster nhấn mạnh.

Trang Military Times hồi tuần trước đưa tin các máy bay ném bom Trung Quốc bay gần Guam nhằm kiểm tra các khu phòng thủ của Mỹ trong khu vực. Tranh cãi này gây thêm sức nóng, bên cạnh vấn đề bán đảo Triều Tiên, ngay trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc vào tuần tới.

Ngày 3-11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang tuyên bố Trung Quốc đã cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Khẳng định vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là chủ đề quan trọng trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ, ông Trịnh nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối xung đột trên bán đảo Triều Tiên và tin rằng vũ lực không phải là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ hôm 2-11 đã thông báo loại trừ Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc ra khỏi hệ thống tài chính nước này, buộc tội ngân hàng này đã giúp Triều Tiên trốn tránh các biện pháp trừng phạt tài chính để rửa tiền. Washington ngày 3-11 cũng cảnh báo các ngân hàng khác.

Theo báo South China Morning Post, Washington đang dần tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Đan Đông khi cáo buộc hình thành các quỹ bất hợp pháp. Bước đi này có thể chọc giận Trung Quốc trong khi giới bình luận cho rằng đây là cách duy nhất để Mỹ chống lại Bình Nhưỡng và quan trọng hơn là xem xét lại chiến lược của Bắc Kinh.

Không dừng lại ở các vấn đề trên, cơ quan kiểm soát ma túy của Trung Quốc ngày 3-11 lên tiếng tranh cãi về khẳng định của Tổng thống Donald Trump đưa ra tuần trước rằng phần lớn ma túy tổng hợp - thủ phạm của cuộc khủng hoảng ma túy ở Mỹ - được sản xuất ở Trung Quốc và ông sẽ đề cập vấn đề trên khi gặp ông Tập tại Bắc Kinh. Phía Trung Quốc cho rằng những trao đổi tình báo và thông tin giữa hai bên không đủ để đi đến kết luận như vậy.

Thu Hằng

Theo Hoàng Phương

Người lao động