1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Các nước gấp rút tìm cách cứu TPP

(Dân trí) - Các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dường như đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ rút khỏi hiệp định này. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một kế hoạch riêng.


Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP (Ảnh: Reuters)

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP (Ảnh: Reuters)

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 đã ký thông qua sắc lệnh rút Mỹ khỏi đàm phán TPP. Đây có thể coi là động thái hiện thực hóa cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử của tỷ phú New York nhằm tìm kiếm các thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái của ông Trump hoàn toàn mang tính biểu tượng bởi Mỹ tuy đã ký kết nhưng Quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn.

TPP là thỏa thuận tự do thương mại giữa 12 nước chiếm 40% GDP toàn cầu, trong đó đứng đầu là Mỹ và Nhật Bản. 11 quốc gia tham gia đàm phán TPP dường như đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ rút khỏi hiệp định này.

Australia tính TPP 12-1

Theo BBC, Australia, một trong những nước đang tìm cách cứu vãn hiệp định, đã lên kế hoạch cho một thỏa thuận mới: “TPP 12-1” hay một hiệp định thương mại tự do không bao gồm Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo cho biết, Australia sẽ không từ bỏ TPP bởi vì nó bởi chỉ cần “một chút nỗ lực nữa” là có thể cứu vãn hiệp định này. Tuần trước, Bộ trưởng Ciobo đã thảo luận về các thỏa thuận mới tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).

“Tôi đã thảo luận với phía Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Malaysia. Tôi được biết Chile, Peru cũng có những thảo luận như thế này. Do đó có rất nhiều nước muốn xem liệu chúng ta có thể tiến đến một thỏa thuận TPP 12-1 ”, ông Ciobo cho biết với đài ABC News hôm qua 23/1.

Ông Ciobo cũng cho biết thêm, cấu trúc ban đầu của TPP cho phép các quốc gia khác tham gia vào hiệp định. “Tôi biết chắc chắn rằng Indonesia bày tỏ mong muốn tham gia và có thể sẽ có chỗ cho Trung Quốc nếu chúng ta cải biến nó thành thỏa thuận TPP 12-1 cho các nước như Indonesia hay Trung Quốc hoặc các nước khác cân nhắc tham gia và tham gia để hưởng lợi từ dòng thương mại đó”, ông Ciobo nói.

New Zealand kỳ vọng TPP nhưng vẫn “ngóng” các thỏa thuận song phương

Thủ tướng New Zealand Bill English nói rằng, ông hy vọng có thể duy trì hiệp định với các nước thành viên TPP. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Todd McClay chia sẻ với truyền thông địa phương rằng ông hy vọng các bộ trưởng TPP sẽ nhóm họp trong các tháng tới để vạch ra đường hướng tiếp theo.

Giống như người đồng cấp Australia, Bộ trưởng McClay nói rằng ông đã gặp gỡ một số quan chức các nước thành viên TPP tại Davos. “Kinh tế New Zealand phụ thuộc vào việc tiếp cận công bằng các thị trường nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ lợi ích của tự do hóa thương mại toàn cầu”, ông McClay nói.

New Zealand cũng đang tính đến các hiệp định thương mại song phương với các nước khác, gần đây là với các nước Trung Đông nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như sữa. Tuần trước, ông McClay xác nhận New Zealand và Sri Lanka sẽ tiếp tục thảo luận về các cơ hội đầu tư và thương mại mới, trong đó có thỏa thuận thương mại tự do song phương.

Nhật Bản muốn xây dựng lòng tin với Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã củng cố niềm tin của ông vào sự lãnh đạo của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và nói rằng ông hy vọng tiếp tục đàm phán với Mỹ về thương mại tự do.

“Tôi tin Tổng thống Trump hiểu được tầm quan trọng của tự do và công bằng thương mại. Do đó, tôi muốn tiếp tục thuyết phục ông ấy về tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của TPP".

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng nhấn mạnh quan điểm này vào hôm nay khi chia sẻ với báo giới về kế hoạch thăm Mỹ của Thủ tướng Abe trong thời gian tới. Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko cũng cho biết ông sẽ theo sát mọi diễn biến liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và những tác động đến các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Trung Quốc có cơ hội

Với TPP, Trung Quốc đến nay vẫn là “người ngoài cuộc”, thay vào đó, Bắc Kinh đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do khu vực - một động thái được cho là nhằm tạo đối trọng với TPP. Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP có thể sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc.

Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nói rằng: “Các sử gia sẽ nhìn lại việc Mỹ rút khỏi TPP như một bước ngoặt lớn của Mỹ trong việc rút khỏi vị thế lãnh đạo thế giới. Người thắng cuộc sẽ là Trung Quốc”.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thì cho rằng, quyết định rút khỏi TPP là một “sai lầm nghiêm trọng” và “sẽ tước mất cơ hội để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ, giảm các hàng rào thương mại, mở ra các thị trường mới và bảo vệ sự cải tiến của Mỹ, trong khi mở ra cơ hội cho Trung Quốc viết lại các quy tắc kinh tế trong tiến trình thương mại”.

Minh Phương

Tổng hợp