1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau khi ông Tập thăm Mỹ?

Xung đột ở Biển Đông có nguy cơ gia tăng sau tuyên bố không ai nghe ai tại cuộc họp thượng đỉnh Trung - Mỹ của ông Tập và ông Obama.

"Không ai nghe ai"

Giới chuyên gia quốc tế đang dự đoán tình hình Biển Đông có nguy cơ gia tăng xung đột sau những tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barrack Obama trong phiên họp thượng đỉnh Trung - Mỹ vào hôm 25/9 vừa qua.

Thông tấn xã Đài Loan ngày 26/9 đưa tin, trong cuộc họp trên, Tổng thống Obama và người đồng nhiệm Tập Cận Bình đã tranh luận về vấn đề Biển Đông.

Obama cho biết, ông đã nói với Tập Cận Bình về những quan ngại nghiêm trọng xung quanh hoạt động bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo và đe dọa tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.

Tập Cận Bình thì nhắc lại cái gọi là "chủ quyền" đối với các đảo ở Biển Đông và khăng khăng tuyên bố rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Trường Sa và sẽ tiếp tục cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực, "không nhằm vào và không ảnh hưởng đến quốc gia nào".

Ông Bình nói, Trung Quốc vẫn ủng hộ quản lý tranh chấp thông qua đối thoại và bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do qua lại ở Biển Đông.

Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau khi ông Tập thăm Mỹ? - 1

Những tuyên bố của ông Tập Cận Bình và Barrack Obama sẽ khiến tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng?

Lập trường của Hoa Kỳ trong chiến lược chuyển trục về châu Á là gia tăng các hợp tác nhiều mặt với các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn, và Philippines, đồng thời gia tăng các mối quan hệ với các nước khác.

Học giả Đài Loan chuyên nghiên cứu về Biển Đông Tống Yên Huy nhận định, nguy cơ xung đột ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục. Các nước ven Biển Đông sẽ liên kết chặt chẽ với Mỹ - Nhật - Úc chống lại xu hướng bành trướng của Bắc Kinh.

Theo ông Tống Yên Huy, Obama và Tập Cận Bình ai nói nấy nghe, nguy cơ xung đột ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục và thậm chí có khả năng nghiêm trọng hơn.

Tống Yên Huy cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nhắc đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng mỗi nước đều tìm kiếm những gì có lợi cho mình trong luật pháp quốc tế để bảo vệ mình.

Trong họp báo sau hội nghị, ông Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ sớm hoàn thành đàm phán ký kết COC. Tuy nhiên thực tế Trung Quốc và ASEAN mới chỉ đạt được nhận thức chung về COC chứ không có bất kỳ tiến triển nào tiến tới ký kết bộ quy tắc này.

Tống Yên Huy nhận định, Bắc Kinh đang ra sức thúc đẩy cái gọi là Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 liên quan đến các nước ven Biển Đông. Sự thúc đẩy này cùng với chiến lược an ninh quốc gia mới nhằm khống chế Biển Đông. Trong khi đó dưới áp lực từ quốc hội Hoa Kỳ và bầu cử Tổng thống năm tới, nhiều khả năng Washington cũng sẽ có biện pháp cứng rắn hơn.

Đẩy vào tranh cãi thuật ngữ

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice phát biểu trong một cuộc họp quan trọng tại trường đại học George Washington (Washington DC) hôm 21/ 9 vừa qua, khẳng định lập trường chắc chắn của Mỹ trong vấn đề căng thẳng tại biển Đông.

“Hoa Kỳ cũng đã nói rõ lập trường của mình về vấn đề tranh chấp trên biển liên quan đến Hoa Đông và Biển Đông. Hoa Kỳ không đứng về bất cứ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền nhưng khẳng định sẽ tiếp tục nhấn mạnh quyền lợi quốc gia quan trọng trong việc duy trì tự do hàng hải và thương mại qua những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới này.

Tàu thuyền và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép… Hoa Kỳ kêu gọi các bên lien quan ngưng ngay các hoạt động cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hoá các tiền đồn tại các khu vực tranh chấp. Thay vào đó, chúng tôi thúc giục Trung Quốc, và các nước ASEAN hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông và đưa ra những quy định rõ ràng, có tính rang buộc trên biển Đông.", Susan Rice khẳng định.

Chuyên gia về quân sự Trung Quốc, bà Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định cam kết của ông Tập là không rõ ràng.

“Đó là ngôn từ mới, nhưng không rõ ông ấy muốn nói gì về quân sự hóa. Hy vọng có thêm vài chi tiết. Không có chiến đấu cơ sử dụng các đường băng (Trung Quốc xây phi pháp ở trên các đảo nhân tạo)? Không triển khai tên lửa?”, bà Bonnie Glaser nói.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 21/9, bà Bonnie cũng dự đoán: "Ngay cả những trao đổi ngoại giao tích cực trước chuyến thăm này, cũng không thu hẹp được những khác biệt giữa hai bên. Hoa Kỳ, mà theo tôi biết thì Bộ Trưởng Quốc phòng Carter đã tiếp tục kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay các hoạt động cải tạo đất và quân sự hoá nhưng Trung Quốc một mực nói rằng các hoạt động của họ là hợp pháp và hợp lý. Họ cho rằng Hoa Kỳ đang can thiệp và có lập trường đối với những tranh chấp về chủ quyền.”

Còn chuyên gia Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) bình luận với The Wall Street Journal rằng" “Ý của ông Tập còn phụ thuộc vào việc ông ấy hoặc Trung Quốc định nghĩa thuật ngữ “quân sự hóa” như thế nào”.

Thực tế, theo chuyên gia Fravel, nhiều thực thể ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng đã bị quân sự hóa qua việc cho binh sĩ đồn trú và triển khai một số vũ khí phòng vệ.

Các chuyên gia cũng không mấy tin tưởng cam kết “không quân sự hóa” nói trên bởi lâu nay Trung Quốc luôn có những tuyên bố và hành động trái ngược về Biển Đông.

Bằng chứng mới nhất là vào đầu tháng 8, Trung Quốc tuyên bố đã ngưng hoạt động bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, nhưng giới chuyên gia Mỹ khẳng định những hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi đầu tháng này cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục nạo vét xung quanh các bãi đá.

Cách đây khoảng 2 tuần, Phó chủ tịch CSIS Michael Green, từng làm Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush, cho biết một số quan chức Trung Quốc đã tiết lộ với ông rằng Bắc Kinh dự định quân sự hóa những bãi đá bằng cách triển khai máy bay quân sự, vũ khí phòng không và tàu chiến.

Giới chức Mỹ cho rằng những cơ sở đó có thể được Trung Quốc sử dụng để củng cố chủ quyền phi lý của họ trong khu vực và lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau khi ông Tập thăm Mỹ? - 2

Đường băng quân sự dài hơn 3km Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi Chữ Thập. (Ảnh Sputnik)

Tân Hoa xã hôm 26/9 đưa tin Cục Hải sự Hải Nam ngày 25/9 đã tiến hành cuộc tuần tra ở Biển Đông, đồng thời khoe khoang rằng đây là cuộc tuần tra đầu tiên có sự phối hợp giữa thủy phi cơ và tàu hải tuần. Cuộc tuần tra tập trung vào các tuyến đường biển ở vùng biển phía tây nam đảo Hải Nam, với sự góp mặt của 2 tàu hải tuần 1103 và hải tuần 1401, nhằm kiểm tra tình trạng các giàn khoan của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực.

Hãng tin Sputnik của Nga ngày 26/9 dẫn nguồn tin từ trang Defense Weekly của tổ chức IHS Jane's công bố loạt hình ảnh vệ tinh mới thu thập được gần đây cho thấy Bắc Kinh đang quân sự hóa bất hợp pháp nhanh chóng quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đi ngược lại với các tuyên bố trước đó của nhà lãnh đạo nước này.

Theo đó, Trung Quốc đã hoàn thành công trình xây dựng (trái phép) đường băng chính dài hơn 3.125 mét, cho phép các máy bay quân sự cỡ lớn cất cánh và hạ cánh, trên bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Việc hoàn thành đường băng này sẽ cho phép Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và có khả năng bắt đầu tuần tra (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng bất hợp pháp nhiều công trình trên đảo, hoàn thành đê chắn sóng ở bến cảng và tạo ra mạng lưới đường bê tông, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc đã tạo ra một lớp đất dọc theo đường băng để trồng cây lương thực hoặc nền tảng của cảnh quan được thiết kế để ngăn xói mòn.

Theo Cúc Phương (tổng hợp)

Đất Việt

Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau khi ông Tập thăm Mỹ? - 3