1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể lập lá chắn tại Biển Đông

Phát triển vũ khí bắn chặn luôn là kế hoạch phòng thủ số một của quân đội Mỹ. Với sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ càng gấp rút đầu tư triển khai kế hoạch này...

... Như được viết trong báo cáo dày cộp gần 400 trang “The U.S.-China Military Scorecard: Forces, Geography, and the Evolving Balance of Power, 1996-2017” của tổ chức nghiên cứu tên tuổi RAND vừa công bố trung tuần tháng 9/2015. 

Độc nhất vô nhị

Có thể nói chương trình lá chắn tên lửa là một trong những nghị sự quan trọng nhất của nhiều đời tổng thống Mỹ. Thời George W. Bush, Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch chiến lược này bằng việc rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM - ký năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev) vào ngày 13/12/2001.

Ngay từ khi chưa nhậm chức, Bush cũng từng đề cập điều này, tại buổi diễn thuyết ở khách sạn The Citadel vào tháng 9/1999 trong chiến dịch tranh cử tổng thống, một động thái tương tự hồi năm 1986 tại cuộc họp thượng đỉnh Reykjavik, khi Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố trước Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng Mỹ không từ bỏ Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI)…

Trong thực tế, Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD; được đổi thành Hệ thống phòng thủ bắn chặn từ mặt đất-GMD vào năm 2002) đã được đầu tư mạnh với nhiều thiết bị phòng chống tên lửa khác. Hệ thống quốc phòng tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis BMD) là một ví dụ. Được trang bị dàn tác chiến Aegis với hệ thống radar AN/SPY-1 và tên lửa SM-3, Aegis BMD đã thành công trong rất nhiều cuộc thử nghiệm.

Mỹ có thể lập lá chắn tại Biển Đông - 1

Siêu tên lửa bắn chặn LRASM được lắp thử nghiệm trên Super Hornet vào tháng 8/2015

Hệ thống Aegis là một trong những chương trình dài hơi của quân đội Mỹ. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ bắt đầu nhận ra tính thiết yếu của phản ứng kịp thời từ hiểm họa tên lửa đối phương. Tháng 12/1969, Aegis (viết tắt từ Advanced Electronic Guidance Information System) ra đời, được sản xuất từ Lockheed Martin, trong khuôn khổ chương trình tên lửa bắn chặn (anti-ballistic missile, ABM), chuyên dùng trong cuộc chiến tiêu diệt tên lửa liên lục địa (ICBM) đối phương. Tên lửa sử dụng trong hệ thống ABM là LIM-49A Spartan và Sprint.

Thập niên 60-70, Mỹ tung ra hệ thống Nike X, gồm hai tên lửa, dàn radar và dàn điều khiển. Phiên bản Nike Zeus (sau đó đổi tên thành Spartan) được thiết kế có thể phá đầu đạn đối phương với loạt tia X bắn vào khí quyển (dùng bắn chặn tên lửa tầm xa). Mỹ còn phát triển tên lửa Sprint thế hệ mới có tốc độ cực nhanh (tăng tốc lên 13.000km/giờ chỉ trong 4 giây)...

Một cách chính xác, chương trình lá chắn tên lửa là một trong những nỗi ám ảnh đối với bất kỳ nội các Mỹ nào, từ khi Tổng thống Ronald Reagan đưa ra ý tưởng lá chắn phòng thủ vào ngày 23/3/1983. Thời Reagan, cơ quan đặc trách nghiên cứu chương trình lá chắn tên lửa được gọi là “Sáng kiến phòng thủ chiến lược”; thời Bill Clinton, nó được đổi thành Cơ quan phòng thủ tên lửa đạn đạo; thời George W. Bush, nó được gọi là Cơ quan phòng thủ tên lửa. Hệ thống phòng thủ chiến lược quốc gia Hoa Kỳ hiện gồm dàn tên lửa bắn chặn và radar đặt tại Alaska. Về kỹ thuật, điểm quan trọng của chương trình lá chắn tên lửa nằm ở dàn radar di động SBX (Sea-Based X-band).

Cho đến nay, thế giới chưa có hệ thống radar nào tương tự Hệ thống radar cảnh báo SBX. Điểm khác biệt giữa SBX với các hệ thống radar khác của Mỹ là SBX dùng dải băng X trong khi Aegis dùng băng S và Patriot dùng băng tần số cao C. Tần số băng X vừa cao vừa ổn định; và bước sóng ngắn của nó (8 đến 12 gigahertz) giúp chụp được ảnh độ phân giải cao.

Di chuyển với vận tốc 15km/giờ, nằm trên một bệ nổi có chiều dài 116m; cao 85m và nặng 50.000 tấn (trị giá 900 triệu USD), nó có hệ thống ăngten hình cầu (Hãng Raytheon chế tạo theo hợp đồng của Boeing), với diện tích 384m2 trên đó có khoảng 45.000 module nhận - phát tín hiệu. Quả cầu ăngten nặng 8,1 tấn (cao 31,1m với đường kính 36,5m) được làm chất liệu sợi đặc biệt có thể chịu được bão táp mưa sa với sức gió hơn 210km/giờ...

Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh tên lửa phòng không Hoa Kỳ Trey Obering cho biết, SBX có thể nhận biết một vật thể nhỏ chỉ bằng quả bóng chày ở San Francisco (California) khi nó nhìn từ một địa điểm cực xa chẳng hạn Chesapeake Bay ở Virginia, tức ở khoảng cách 4.700km! SBX được sử dụng để theo dõi tên lửa đối phương từ mọi ngóc ngách thế giới và cảnh báo tức thì để lực lượng phòng không Mỹ bắn chặn.

Nó không chỉ kết nối với các bộ chỉ huy tư lệnh mặt đất mà còn “ăn rơ” với các tàu chiến Mỹ đậu rải rác khắp nơi. Về lý thuyết, SBX có thể dễ dàng nhận biết sự khác biệt giữa đầu đạn tên lửa thật với đồ dỏm ngụy trang (decoy).

“Bạn có thể thấy rõ đinh tán, cánh đuôi và nhiều bộ phận khác của tên lửa rơi cháy trong quá trình bay” - theo Larry Briggs, Giám đốc chương trình SBX của Raytheon. Tầm quan sát SBX hiệu quả nhờ nó có thể di chuyển chứ không cố định như hầu hết hệ thống radar; và ăng-ten được thiết kế hình cầu để nó có thể khắc phục yếu tố tự nhiên mặt cong của trái đất (gọi là “chân trời radar”).

Năm 2003, Boeing thắng gói thầu 31 triệu USD để chế tạo hệ thống radar di động làm việc ngoài đại dương. Tháng 1/2003, Chính phủ Mỹ mua dàn bệ nổi từ Công ty Na Uy Moss Maritime rồi đưa về Nhà máy Đóng tàu Keppel AMFELS tại Brownsville (Texas) để được cải đổi phù hợp với thiết kế radar quân sự. Tiến trình lắp đặt radar hoàn thành vào tháng 4/2005. Tháng 7/2005, nó được đặt tên chính thức là “Sea-Based X-Band Radar-1” hoặc “SBX-1”.

Năm 2006, SBX được đưa vào phục vụ. Tháng 4/2012, nó rời quân cảng Trân Châu và mò vào Biển Đông, để “giám sát phi vụ thử tên lửa Unha-3 của Bắc Triều Tiên” từ ngày 12 đến 16/4/2012; rồi trở về Trân Châu ngày 21/5/2012. Nó lại được đưa vào biển Đông cuối năm 2012 để theo dõi thường trực Bắc Triều Tiên. Lần này thì Bắc Kinh thấy “nhột”. Hồng Lỗi không ít hơn một lần đã phải lên tiếng “yêu cầu Mỹ giải thích” và nói thẳng rằng “mục đích đen tối” của SBX Band là ngó chừng Trung Quốc.

Theo bản tuyên bố chung Mỹ - Nhật ký vào tháng 10/2013, một SBX Band thứ hai sẽ đưa đến căn cứ không quân Kyogamisaki (thuộc Kyoto) ở phía Tây nước Nhật nhằm bổ sung cho hàng rào phòng thủ cảnh báo với hệ thống radar hiện thời đặt ở phía Bắc nước này.

Trong cuộc thử nghiệm 2008, SBX-1 đã giúp bắn trúng một vệ tinh hỏng. Nó dò được vệ tinh khi mục tiêu cách trái đất khoảng 241km và đang di chuyển với vận tốc 17.000 dặm/giờ (tức khoảng 27.358km/giờ)! SBX-1 cung cấp thông tin cho USS Lake Erie và khu trục hạm này đã bắn tên lửa không đầu đạn “hạ gục” vệ tinh “ngay tại chỗ”!

Tên lửa diệt hạm tầm xa

Một trong những át chủ bài hiện tại trong lá chắn tên lửa là hệ thống phòng thủ Patriot (do Hãng Raytheon chế tạo; không phải mang nghĩa “ái quốc” như hiểu lầm mà là từ viết tắt của Phased Array Tracking to Intercept Of Target), được trang bị một trong những hệ thống radar hiệu quả nhất công nghiệp quốc phòng thế giới. Hệ thống Patriot có 4 chức năng chính: liên lạc; chỉ huy; do thám; và điều khiển đường bay tên lửa (toàn bộ hệ thống được lắp đặt và khai hỏa sau 45 phút). Tầm hoạt động radar Patriot là 100km và cùng lúc có thể nhận biết 100 tên lửa địch. Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa (Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3).

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, Patriot ra trận lần đầu tiên với nhiệm vụ bắn chặn tên lửa Scud và tên lửa Al Hussein của Iraq. Căn cứ quân sự chính của hệ thống lá chắn tên lửa hiện được đặt tại ngôi làng nhỏ Delta Junction (Alaska), nơi có 19 hầm tên lửa. Toàn bộ khu vực đều được vây kín bởi hàng rào, thiết bị cảm ứng dò tìm chuyển động cực nhạy và camera hồng ngoại. Trong hầm, bao cát được xếp ở nhiều góc khác nhau để lính có thể nấp và bắn trả nếu bị quân bộ đối phương tấn công.

Một bài báo trên National Interest (8/9/2015) cho biết, Hải quân Hoa Kỳ vừa công bố kế hoạch đối phó tên lửa diệt hạm của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm tài khóa 2017, Mỹ sẽ triển khai chương trình phòng thủ “Offensive Anti-Surface Warfare Increment II” nhằm thay thế hệ thống Boeing RGM-84 Harpoon. Cụ thể, hệ thống tên lửa diệt hạm tầm xa (Long Range Anti-Ship Missile-LRASM) sẽ được hoàn thiện với thế hệ tên lửa đời mới Tomahawk Block IV (có đường kết nối vệ tinh hai chiều giúp nó tái lập mục tiêu ngay trên đường bay để tấn công mục tiêu khác thay vì mục tiêu được lập trình trước đó). Tomahawk Block IV được nâng cấp kỹ thuật liên lạc, đầu đạn mạnh hơn và thiết bị dò mục tiêu được thiết kế để có thể phát hiện mục tiêu di động trên biển lẫn đất liền trong bóng đêm và trong mọi điều kiện thời tiết…

Tháng 11/2013, Lockheed Martin đã thử nghiệm thành công LRASM trong khuôn khổ một chương trình nằm dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Các dự án nghiên cứu cấp tiến quốc phòng (DAPRA) và Phòng Nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ (ONR). Điểm khác biệt giữa LRASM với các loại tên lửa chính xác hiện tại là nó không chỉ được tích hợp hệ thống GPS chống nhiễu (anti-jam GPS) mà còn hoạt động… tự động. Sau khi được phóng, LRASM sẽ bay dò tìm mục tiêu tự động, bằng cách liên lạc với máy bay do thám thông qua hệ thống Weapon Data Link. Nếu được phép tấn công thông qua lệnh của hệ thống điều khiển, LRASM sẽ lao thẳng vào mục tiêu. Nói cách khác, với các tên lửa thông thường, người ta phải “khóa” mục tiêu trước rồi mới bắn (điều này làm tăng tỉ lệ bắn trượt đối với mục tiêu di động); trong khi đó, với LRASM, người ta bắn tên lửa lên trước rồi mới ngắm mục tiêu.

Chính vì vậy nên LRASM chuyên “xử” các mục tiêu vốn di động liên tục (đặc biệt hữu dụng để diệt tàu chiến đối phương). Điều đáng chú ý ở chỗ LRASM tương thích với tất cả hệ thống phóng lẫn bệ phóng hiện tại, chẳng hạn hệ thống phóng VL-41 đang hiện diện trên tất cả tàu chiến hiện đại của Mỹ. Từ năm 2009 đến nay, Lockheed Martin đã thiết kế và đánh giá thử nghiệm hai loại LRASM - LRASM B là tên lửa hành trình siêu thanh bay ở tầm cao; và LRASM A được thiết kế bay thấp nhưng khả năng tàng hình tốt hơn. Cả hai đều được phóng từ máy bay. LRASM không chỉ được thiết kế để trang bị cho máy bay hiện đại F-35 mà còn cho các loại tiêm kích đời cũ như F/A-18E/F Super Hornet. Ngày 12/8/2015, lần đầu tiên LRASM đã được lắp thử nghiệm cho Super Hornet để chuẩn bị đưa vào chính thức sử dụng vào năm 2019 sau khi nó được triển khai cho oanh tạc cơ B-1B năm 2018.

Cần nói thêm, ngoài LRASM, DAPRA còn có dự án tên lửa ArcLight, được thiết kế để tấn công mục tiêu ở khoảng cách 2.000 hải lý (3.700km) chỉ trong 30 phút. “ArcLight sẽ mang lại khả năng thay đổi luật chơi trong chiến tranh” - phát ngôn viên DAPRA nói - “Khả năng có thể tấn công chính xác mục tiêu từ bất cứ nơi nào trên thế giới khi được khai hỏa từ những con tàu chiến thông thường sẽ giảm chi phí việc điều quân và mang lại những lợi thế về mặt chiến thuật lẫn chính trị”. Trước mắt, LRASM có thể được triển khai sớm trong tương lai gần, “để đối phó với Trung Quốc” - phát ngôn viên DAPRA nói…

Theo M.Kim

PetroTimes

Mỹ có thể lập lá chắn tại Biển Đông - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm