1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bao nhiêu người Mỹ ủng hộ biện pháp quân sự với Triều Tiên?

(Dân trí) - Kết quả cuộc khảo sát mới được công bố gần đây cho thấy 1/3 người dân Mỹ ủng hộ việc Washington áp dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Quân đội Triều Tiên tập trận bên bờ biển (Ảnh: KCNA)
Quân đội Triều Tiên tập trận bên bờ biển (Ảnh: KCNA)

Theo Kyodo News, cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Genron NPO của Nhật Bản và Đại học Maryland tiến hành cho thấy hơn 30% số người Mỹ được hỏi nói rằng họ ủng hộ biện pháp quân sự với Triều Tiên. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ lớn người dân Mỹ sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến tranh như vậy.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, số người Mỹ ủng hộ biện pháp hòa bình với Triều Tiên chiếm tỷ lệ cao hơn. 44,2% số người được hỏi nói rằng họ phản đối hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan tới cách Tổng thống Donald Trump giải quyết các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, khoảng 60% số người Mỹ và Nhật Bản được hỏi đánh giá cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Mỹ là không phù hợp. Trước đó, Tổng thống Trump từng đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn, thậm chí dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng khiêu khích Mỹ và các đồng minh.

So với người Mỹ, số người Nhật Bản ủng hộ biện pháp quân sự với Triều Tiên ít hơn, chỉ khoảng 20,6%. Trong khi đó, 48,3% người Nhật Bản được hỏi nói rằng họ phản đối việc Mỹ tham gia vào các hoạt động quân sự.

Khi tham gia khảo sát, 35,3% người Mỹ cho rằng các nỗ lực ngoại giao đa phương là cách hiệu quả nhất để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này và 10,8% cho rằng tấn công quân sự là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra, 21,6% nhận định Trung Quốc cần mạnh tay hơn đối với Bình Nhưỡng, trong khi 40% ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân.

Lấy ý kiến từ 1.000 người Nhật Bản và 2.000 người Mỹ, cuộc khảo sát được tiến hành trong 2 tuần, tính từ ngày 21/10. Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí gây tranh cãi, bao gồm thử hạt nhân mạnh chưa từng có, phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và dọa bắn tên lửa về phía lãnh thổ Mỹ.

Thành Đạt

Theo Kyodo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm