1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ tiết lộ "cánh tay nối dài" của vũ khí Triều Tiên ở Trung Đông

(Dân trí) - Mối quan hệ song phương gần gũi và những nghi vấn về các thương vụ mua bán vũ khí “khủng” tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Ai Cập đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tầm ảnh hưởng của Bình Nhưỡng tại khu vực Trung Đông.

Tượng đài AK-47 tượng trưng cho mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Triều Tiên và Ai Cập (Ảnh: Alamy)
Tượng đài AK-47 tượng trưng cho mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Triều Tiên và Ai Cập (Ảnh: Alamy)

Trên một hòn đảo tại kênh đào Suez, một tượng đài hình họng súng và lưỡi lê của khẩu AK-47 chĩa thẳng lên trời là công trình biểu tượng cho mối quan hệ giữa Ai Cập và một trong những đồng minh lâu đời nhất - Triều Tiên. Nhiều thập niên trước đây, Triều Tiên đã xây tặng Ai Cập tượng đài này để tưởng niệm cuộc xung đột với Israel năm 1973 - cuộc chiến mà các phi công Triều Tiên đã đứng về phía Ai Cập để chiến đấu và sẵn sàng hy sinh.

Ngày nay, tượng đài là biểu hiện cho một khía cạnh khác trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Ai Cập: đó là các thương vụ mua bán vũ khí ngầm trái phép. Chính điều này là nguyên nhân khiến mối quan hệ vốn nồng ấm giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Mỹ trở nên căng thẳng, kéo theo việc Washington cắt viện trợ quân sự cho Cairo và đặt quốc gia Trung Đông vào “tầm ngắm” thường xuyên của các giám sát viên Liên Hợp Quốc.

Giới chức Mỹ và Liên Hợp Quốc cho rằng Ai Cập đã mua các vũ khí của Triều Tiên và cho phép các nhà ngoại giao Triều Tiên sử dụng đại sứ quán tại thủ đô Cairo làm “trụ sở” cho các hoạt động mua bán vũ khí quân sự trong toàn khu vực. Những thương vụ này được cho là đã giúp Triều Tiên thu về khoản tiền mặt đáng kể, song vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc và chọc giận nước “bảo trợ” quân sự quan trọng của Ai Cập là Mỹ. Hồi tháng 8/2017, Washington đã cắt và đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 291 triệu USD cho Cairo.

Lô hàng vũ khí

Tàu chở vũ khí Triều Tiên từng bị chặn ở ngoài khơi bờ biển Ai Cập và giữ ở cảng Ain Sokhna (trong ảnh). (Ảnh: Reuters)
Tàu chở vũ khí Triều Tiên từng bị chặn ở ngoài khơi bờ biển Ai Cập và giữ ở cảng Ain Sokhna (trong ảnh). (Ảnh: Reuters)

Tình hình căng thẳng có thể sẽ tăng nhiệt trở lại trong những tuần sắp tới khi Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo, trong đó tiết lộ thông tin về lô hàng trên con tàu cũ kỹ của Triều Tiên từng bị chặn lại ở ngoài khơi bờ biển Ai Cập hồi năm 2016. Con tàu này đã chở 30.000 súng phóng lựu trị giá khoảng 26 triệu USD.

Dự kiến ra mắt vào trong tháng này, bản báo cáo của Liên Hợp Quốc đã xác định khách hàng của lô vũ khí trên tàu Triều Tiên là một nhánh của Tổ chức Công nghiệp hóa Ả rập - tập đoàn vũ khí quốc doanh lớn của Ai Cập. Tổng thống Sisi chính là người lãnh đạo ủy ban chịu trách nhiệm giám sát tập đoàn này.

Ai Cập từng phủ nhận việc mua lô vũ khí của Triều Tiên cũng như khẳng định không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Liên quan tới những nghi vấn được nêu trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Thông tin Quốc gia Ai Cập cho biết: “Các cơ quan chức năng có liên quan của Ai Cập đã thực thi tất cả các biện pháp cần thiết đối với tàu Triều Tiên với sự minh bạch tuyệt đối và dưới sự giám sát của các quan chức Liên Hợp Quốc”.

Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ viện trợ vào mùa hè năm ngoái, giới chức Ai Cập cho biết họ đã cắt quan hệ quân sự với Triều Tiên, giảm quy mô Đại sứ quán Triều Tiên tại Ai Cập đồng thời giám sát hoạt động của các nhà ngoại giao Triều Tiên.

“Mối quan hệ với Triều Tiên chỉ giới hạn ở mức tượng trưng, và gần như không có mối quan hệ hợp tác hiện thời nào về kinh tế cũng như các lĩnh vực khác”, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Cairo hồi tháng trước.

Tuy nhiên các quan chức Mỹ nhận định, vấn đề nằm ở chính mối quan hệ mang tính tượng trưng đó khi Đại sứ quán Triều Tiên tại Ai Cập thực hiện cả chức năng ngoại giao lẫn các hoạt động mua bán vũ khí. Theo Andrea Berger, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, điều khiến Washington lo ngại là Triều Tiên, nhà cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo lâu đời cho Ai Cập, hiện vẫn đang tuồn các bộ phận tên lửa cho quốc gia này.

Nghi vấn đại sứ quán

Đại sứ quán Triều Tiên tại Cairo (Ảnh: AFP)
Đại sứ quán Triều Tiên tại Cairo (Ảnh: AFP)

Là Đại sứ quán lớn nhất của Triều Tiên tại Trung Đông, Đại sứ quán tại Ai Cập là tòa nhà 3 tầng với tấm biển cũ kỹ đặt ngay lối ra vào, nằm trên một con phố tại một hòn đảo ở khu vực sông Nile. Trên những bức tường của Đại sứ quán Triều Tiên có treo ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các cửa sổ thường đóng trong khi các nhân viên an ninh thường nhắc những người đi đường không được chụp ảnh. Tương tự nhiều cơ sở khác của Triều Tiên, chức năng của đại sứ quán ở Cairo không chỉ đơn thuần liên quan tới các hoạt động ngoại giao.

Các điều tra viên của Liên Hợp Quốc cho biết tại châu Phi, các nhà ngoại giao Triều Tiên thường nghĩ ra nhiều cách để kiếm tiền mặt. Ở Nam Phi và Mozambique, họ được cho là tham gia vào các hoạt động săn bắt tê giác. Tại Namibia, người Triều Tiên xây những tượng đài khổng lồ và một nhà máy đạn dược. Tại Angola, họ huấn luyện võ thuật cho đội cận vệ của tổng thống.

Tại Ai Cập, công việc của các nhà ngoại giao được cho là có liên quan tới vũ khí. Các điều tra viên của Liên Hợp Quốc và những người đào tẩu Triều Tiên tiết lộ rằng, Đại sứ quán Triều Tiên ở Cairo đã trở thành nơi diễn ra các thương vụ mua bán ngầm các loại tên lửa của Triều Tiên cũng như các vũ khí quân sự hạ giá từ thời Liên Xô. Quy mô của các hoạt động này trải khắp khu vực Bắc Phi và Trung Đông.

Theo các tài liệu mà Liên Hợp Quốc có được, núp dưới danh nghĩa các công ty bình phong và vỏ bọc ngoại giao, các quan chức Triều Tiên được cho là đã tới Sudan để bán các tên lửa được dẫn đường bằng vệ tinh. Trong khi đó, một số quan chức khác bay tới Syria - nơi Triều Tiên bị nghi là cung cấp các thiết bị cho quá trình chế tạo vũ khí hóa học của Damascus.

Vào tháng 11/2016, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã áp lệnh trừng phạt với Đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập Pak Chun-il, mô tả ông là đặc vụ của Tập đoàn Thương mại Phát triển Khai mỏ - công ty vũ khí lớn nhất của Triều Tiên. Ít nhất 5 quan chức khác của Triều Tiên tại Ai Cập cũng bị trừng phạt, trong đó có Kim Song-chol - người từng tới thủ đô Khartoum vào năm 2013 để thực hiện thỏa thuận bán 180 tên lửa và các thiết bị tên lửa cho Sudan. Cũng trong năm này, ông Kim và Son Jong-hyok - một quan chức bị trừng phạt khác tại Cairo bị phát hiện tiếp tục giao dịch với Tập đoàn Công nghiệp Quân sự quốc doanh Sudan.

Quan hệ lâu đời

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam (trái) gặp cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Cairo năm 2007. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam (trái) gặp cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Cairo năm 2007. (Ảnh: AP)

Ai Cập và Triều Tiên duy trì mối quan hệ sâu sắc từ nhiều năm nay. Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak thường xuyên được đón tiếp tại Bình Nhưỡng trước khi ông bị lật đổ vào năm 2011. Nhà tài phiệt Ai Cập Naguib Sawiris đã xây dựng mạng lưới điện thoại di động chính tại Triều Tiên và đầu tư vào một ngân hàng ở đây. Trong khi đó, ngoài xây dựng tượng đài AK-47 cho Ai Cập, Triều Tiên cũng xây dựng một bảo tàng chiến tranh lớn tại thủ đô Cairo - nơi các học sinh Ai Cập thường xuyên tới thăm.

Theo Owen Sirrs, cựu đặc vụ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, từ những năm 1970, Triều Tiên và Ai Cập đã hợp tác cùng nhau để cải thiện tầm bắn cũng như độ chính xác của các tên lửa Scud từ thời Liên Xô. Giới chức Mỹ cho rằng từ cuối thập niên 90, Ai Cập đã tìm cách mua hệ thống tên lửa Nodong của Triều Tiên với tầm bắn khoảng 1.200 km.

Năm 2013, một lô hàng chở các phụ tùng của tên lửa Scud-B đã bị chặn lại khi được chuyển bằng máy bay từ Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho một công ty do quân đội Ai Cập kiểm soát ở Cairo. Trong quá trình vận chuyển, các phụ tùng này được gắn mác là các bộ phận của máy chế biến cá. Ai Cập đã bác bỏ cáo buộc công ty quân đội của nước này đã đặt mua các phụ tùng của tên lửa Scud.

Theo New York Times, những tên lửa này có thể được sử dụng để tấn công Israel từ vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Ai Cập. Hoặc chúng cũng có thể được dùng để phóng sang Ethiopia - quốc gia Ai Cập đang có tranh cãi nảy lửa về việc xây dựng đập thủy điện mới trên sông Nile.

Thành Đạt

Theo NYT