1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới ngầm lao động Triều Tiên tại Nga

(Dân trí) - Mặc dù vẫn lên tiếng ủng hộ và ký vào các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, song Nga vẫn luôn để ngỏ cho Bình Nhưỡng một lối thoát, bao gồm việc tiếp nhận hàng nghìn lao động Triều Tiên làm việc tại Nga.

Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng (Ảnh: Independent)
Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng (Ảnh: Independent)

CNN đưa tin, bên trong những ngôi nhà nằm xuôi theo con đường lầy lội ở ngoại ô thành phố St. Petersburg là thế giới ngầm của những người lao động Triều Tiên tại Nga. Tại một công trường gần những khu nhà ở tồi tàn, một nhóm công nhân đang xây dựng các tòa chung cư cho biết họ từ Triều Tiên đến. Đây là những người lao động nằm trong số 50.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại Nga.

Theo các nhà ngoại giao Mỹ, 80% thu nhập của người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, ước tính khoảng 500 triệu USD/năm, được chuyển về nước để giúp đỡ chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Liên Hợp Quốc từng lo ngại rằng số tiền này có thể được sử dụng để “nuôi” chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm kiểm soát tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, các quốc gia được phép sử dụng lao động Triều Tiên “theo hạn ngạch”, song không được cấp giấy phép lao động mới cho họ.

Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc quy định tất cả lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải trở về nước trước tháng 12/2019 nhằm giảm nguồn thu tài chính đáng kể cho chính phủ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vì không rõ Nga từng thuê bao nhiêu công nhân Triều Tiên làm việc, nên các nhà phân tích cũng không thể nắm được chính xác liệu số công nhân này đã về nước hay chưa.

Mặc dù Nga ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, song nghị sĩ cấp cao của Nga không cho rằng các lệnh trừng phạt này thực sự là cách thức hiệu quả để hạn chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

“Giống Triều Tiên, Nga cũng đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng tôi chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ, không bao giờ có bất kỳ tác động nào đối với chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Các lệnh trừng phạt là công cụ sai lầm. Đây không phải là giải pháp cho vấn đề Triều Tiên”, ông Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga, cho biết.

Thế cân bằng khó khăn

Một nhà hàng có tên gọi Bình Nhưỡng ở Vladivostok, Nga (Ảnh: New York Times)
Một nhà hàng có tên gọi Bình Nhưỡng ở Vladivostok, Nga (Ảnh: New York Times)

Nga từng bị chỉ trích công khai vì tuyển dụng các lao động Triều Tiên và làm suy yếu các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng “phản pháo” các thông tin cáo buộc nước này đã vận chuyển dầu cho Triều Tiên. Theo lập luận của Moscow, các nước vẫn được phép cấp dầu cho Triều Tiên trong “định mức” nhất định theo lệnh trừng phạt.

Theo Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình Nga ở châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Moscow Carnegie, Nga đang miễn cưỡng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên và điều này xuất phát từ việc Moscow muốn ngăn chặn sự thay đổi chính quyền theo hướng ngả về phương Tây tại Bình Nhưỡng.

“Tôi không nghĩ Nga thực sự tin vào các lệnh trừng phạt (Triều Tiên). Khi ký các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga thường đấu tranh để biến chúng thành các lệnh trừng phạt không mang tính cưỡng ép”, ông Gabuev cho biết.

Nga đang ở trong tình thế buộc phải cân bằng, một mặt chính thức ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, song mặt khác vẫn phải mở cho Bình Nhưỡng một lối thoát.

Trước khi các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, người phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc từng dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga phản đối việc cắt toàn bộ nguồn cung dầu cho Triều Tiên.

“Giữ cho Bình Nhưỡng tiếp tục”sống” là một nhiệm vụ quan trọng. Nước này không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu nhập khẩu. Đó là lý do khiến Nga phải tập trung các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo Triều Tiên không bị bóp nghẹt quá mạnh”, chuyên gia Gabuev nhận định.

Theo ông Gabuev, được chọn ra nước ngoài làm việc là niềm khao khát của người Triều Tiên vì họ có thể mang nhiều tiền hơn về cho gia đình. Mặc dù Nga vẫn khẳng định rằng số tiền mà các lao động Triều Tiên kiếm được sẽ giúp chính người dân Triều Tiên duy trì cuộc sống, song giới phân tích không cho rằng như vậy. Theo các nhà phân tích, Nga thuê lao động Triều Tiên vì muốn tránh kịch bản thay đổi chế độ ở nước này theo chiều hướng của các nước phương Tây.

“Sự sụp đổ của Triều Tiên không chỉ dẫn đến làn sóng tị nạn hay chiến tranh, mà cuối cùng sẽ đưa đến một đất nước Hàn Quốc thống nhất (với Triều Tiên) và là đồng minh của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các binh sĩ Mỹ sẽ xuất hiện ở gần biên giới Nga và đây chắc chắn không phải là điều mà Nga muốn thấy”, ông Gabuev cho biết thêm.

Do vậy, Nga đang ở trong tình thế buộc phải cân bằng, một mặt chính thức ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, song mặt khác vẫn phải mở cho Bình Nhưỡng một lối thoát.

Thành Đạt

Tổng hợp