Việt Nam nên xác định mức độ ưu tiên để xây dựng thành phố thông minh

(Dân trí) - Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng cho các chiến lược phát triển thành phố thông minh với nhiều đề án đã được nghiên cứu tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, Nokia khuyên Việt Nam nên xác định mức độ ưu tiên cho từng lĩnh vực để triển khai hiệu quả thành phố thông minh.

Việt Nam nên xác định mức độ ưu tiên để xây dựng thành phố thông minh - 1

Đại diện Nokia chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh.

Việt Nam đã đưa việc triển khai thành phố thông minh thành hạng mục ưu tiên quốc gia, thúc đẩy các công ty trong nước và quốc tế cùng hợp tác để hỗ trợ kế hoạch được thông báo vào cuối năm 2016 qua Thông tư số 10394/VPCP-KGVX. Thông tư này nhắc đến Internet Vạn Vật (IoT) như cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, thiết lập lộ trình phát triển thành phố thông minh trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thành công 5 thành phố thông minh, trong đó có Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Kiên Giang. Trong đó, huyện đảo Phú Quốc được hy vọng sẽ là thành phố thông minh đầu tiên, và hiện tại đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển hệ thống Chính quyền điện tử, hệ thống Smart Wi-Fi, Hệ thống Quản lý Lưu trú trực tuyến, Hệ thống Giám sát Môi trường và Hệ thống Camera giám sát an ninh.

Cũng tham gia tư vấn về các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử cho Việt Nam, Nokia cùng đối tác Machina Research đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra báo cáo 'The Smart City Playbook' (Hướng Dẫn Xây Dựng Thành Phố Thông Minh) để ghi lại những kinh nghiệm thực tiễn tiêu biểu nhất từ 22 thành phố trên thế giới để làm tài liệu hướng dẫn cho Việt Nam trong giai đoạn đầu của lộ trình phát triển cũng như triển khai thành phố thông minh.

Tuy nhiên, theo Nokia, thách thức của Việt Nam khi triển khai xây dựng thành phố thông minh là phân loại ưu tiên, lĩnh vực nóng nhất để đầu tư phù hợp, tuỳ thuộc vào nhiều tham số, đâu là lĩnh vực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên. “Đây là mô hình dài hạn nên Việt Nam cần phải đánh giá để không bị lãng phí”, Harald Preiss, Giám Đốc Nokia Bắc Á, nhận định. Trong đó, Nokia tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên: phương tiện giao thông kết nối, an ninh kết nối, ý tế kết nói và nhà riêng kết nối. Ông này lấy ví dụ, ở Thái Lan, nước này đưa ra giải pháp điều khiển xe bus đưa đón học sinh ở nhà trường. Trong khi đó, Singapore đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người già. Giải pháp giúp phát hiện triệu chứng để giúp người già, người sức khoẻ trí nhớ yếu tránh ngã, gây thương tật.

Ông Harald Preiss, Giám Đốc Nokia Bắc Á, cho biết: “Nokia quan tâm rất lớn tới việc giúp thị trường trở nên minh bạch cũng như xác định các lĩnh vực trọng tâm. Chúng tôi mong được hợp tác chặt chẽ với chính phủ nằm hiện thực hóa các sáng kiến cho thành phố thông minh, và dùng công nghệ để đem đến cho người dân cuộc sống đầy đủ và ý nghĩa.”

Tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng IoT” do Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT - phối hợp cùng công ty Nokia Solutions & Networks tổ chức tại Hà Nội sáng nay (12/4), ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, cho biết do nhu cầu bức thiết trong việc giải quyết các vấn đề trong quản lý đô thị, như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường..., nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các đề án quy hoạch phát triển đô thị thông minh, trong đó TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã cùng với sự tư vấn của các đối tác IBM, Microsoft và các doanh nghiệp trong nước, như VNPT, Viettel, FPT...

Ông Phúc cho rằng thành phố thông minh là một vấn đề mới, do đó cần có thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến đồng thuận chung của các cơ quan, ban ngành, người dân và doanh nghiệp trước khi đưa ra định hướng chính thức.

Khôi Linh