Cục Thương mại điện tử: "Niềm tin giữa người tiêu dùng với người bán hàng thấp"

(Dân trí) - Dù đã ghi nhận những tưởng trưởng vượt bậc trong một vài năm gần đây, nhưng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3-4%, còn lại đến 92% thanh toán theo phương thức COD (trả tiền khi nhận hàng). Nguyên nhân là do niềm tin giữa người tiêu dùng với người bán hàng thấp.

Cuối năm là thời gian nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cũng là dịp bán hàng lớn, đem lại nhiều lợi nhuận nhất trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh doanh. Việc khai thác hiệu quả thời gian bán hàng cuối năm sẽ giúp các cửa hàng mang về nhiều lợi nhuận và bù đắp lại thời gian ra Giêng sức mua giảm sút.

Nhằm mang đến chiến lược rõ ràng và cách thức để triển khai chiến dịch một cách hiệu quả nhất, sáng nay (28/10), đơn vị đại diện Bizweb phối hợp với DHL eCommerce, Zalo, Uber, Vnpay,... tổ chức sự kiện Bán hàng mùa cuối năm (viết tắt là FSS) với chủ đề "Từ ý tưởng tới thực thi", có sự tham gia của các chuyên gia về bán hàng và nghiên cứu thị trường như Sunhouse, Zalo, DHL eCommerce, Beemart, Adam Group,...

Lớp học bán hàng trong mùa mua sắm cuối năm thu hút sự chú ý và tham gia của hơn 500 doanh nghiệp lớn, nhỏ.
"Lớp học" bán hàng trong mùa mua sắm cuối năm thu hút sự chú ý và tham gia của hơn 500 doanh nghiệp lớn, nhỏ.

Dù đã ghi nhận những tưởng trưởng vượt bậc trong một vài năm gần đây, nhưng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3-4%, còn lại đến 92% thanh toán theo phương thức COD (trả tiền khi nhận hàng) theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử. Nguyên nhân là do niềm tin giữa người tiêu dùng với người bán hàng thấp.

Thực tế cũng do phần lớn tâm lý người Việt vẫn có suy nghĩ phải cân đo đong đếm cụ thể, cầm nắm được sản phẩm rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm. Trong khi đó các doanh nghiệp lại chưa thực sự tạo dựng được mức độ uy tín cần thiết để làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng.

Điển hình như trong phần trình bày của ông Nguyễn Văn Thiên - CEO Adam Group, chỉ ra rằng trong khi các công ty nước ngoài rất chú trọng vào khâu R&D (tức phân tích, nghiên cứu sản phẩm), thì tới 90% doanh nghiệp Việt Nam "bỏ quên" khâu quan trọng này, mà chỉ chạy theo trào lưu, theo sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng.

"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào một sản phẩm mũi nhọn. Khi doanh thu đạt đỉnh cao thì chìm đắm trong lợi nhuận, mà quên mất mỗi sản phẩm đều có chu kỳ, tuổi thọ riêng. Chính vì lý do này nên 90% doanh nghiệp Việt Nam không sống sót được quá 5 năm vì không biết để bắt đầu một sản phẩm khác và mở ra chu kỳ khác", ông Nguyễn Văn Thiên cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thiên, các doanh nghiệp nên quan tâm đến sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, dung lượng thị trường lớn, tập trung vào nhu cầu cấp thiết. Xem xét sản phẩm có giá bán trong khoảng từ 250.000 – 600.000 đồng (nếu ít hơn sẽ không có lãi hoặc lãi ít, còn nếu cao hơn khách hàng không dễ ra quyết định mua sắm ngay)…

Ông Nguyễn Văn Thiên - CEO Adam Group chia sẻ về các chiến dịch mùa sale hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thiên - CEO Adam Group chia sẻ về các chiến dịch mùa sale hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý còn có bài phát biểu của chị Nguyễn Thị Trà My, hiện là Giám đốc Marketing sản phẩm của Zalo chia sẻ về những yếu tố cốt lõi giúp chiến dịch khuyến mãi thu được thành công, trong bối cảnh mà rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị cung cấp đồ tiêu dùng, đều đưa ra khuyến mãi "khủng" vào dịp cuối năm.

Trong đó, 3 mô hình chính được chị Nguyễn Thị Trà My chia sẻ bao gồm Trúng thưởng/Quà tặng khi mua hàng với mục tiêu thu hút người mua mới, Đổi cũ lấy mới/Hoàn tiền nhằm mục đích tăng doanh thu so với đối thủ, và Chương trình tri ân khách hàng thân thiết/Tích điểm đổi quà nhằm tăng tần suất mua hàng, tần suất tương tác với khách hàng.

"Tuy nhiên giữa hàng trăm các chương trình khuyến mãi, bạn phải đặt câu hỏi rằng tại sao khách hàng lại muốn tham gia chương trình của bạn?", chị My cho biết. "Điều này thu được từ độ thu hút của chiến dịch (như tham gia các trò chơi có tính giải trí cao), mức độ dễ dàng để tham gia đi kèm hướng dẫn cụ thể cho người dùng, cũng như tính kết nối giữa các khách hàng với nhau."

Trên hết, để có thể thu hút người tiêu dùng tham gia và có niềm tin vào thương mại điện tử, vấn đề gây dựng lòng tin là yếu tố sống còn. Ngoài ra phải giải quyết từ vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, quảng cáo trung thực, giao hàng đúng hẹn, doanh nghiệp phải biết giữ uy tín khi kinh doanh thương mại điện tử…

Nguyễn Nguyễn