1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam nâng mức độ cảnh báo, coi như có người mắc Zika

(Dân trí) - Ngày 30/3 tại cuộc họp nóng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quyết định nâng mức độ cảnh báo phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika ở tình huống 2, coi như đã có trường hợp bệnh.

Có ca bệnh rất dễ thành dịch

Chiều muộn ngày 30/3, cuộc họp nóng về dịch Zika diễn ra giữa 3 đầu cầu là Hà Nội, Viện Paster Nha Trang và Viện Paster TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp nóng chiều 30/3 về phòng chống dịch do vi rút Zika. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp nóng chiều 30/3 về phòng chống dịch do vi rút Zika. Ảnh: H.Hải

Lý giải việc nâng mức cảnh báo, Bộ Y tế cho biết, hiện nay nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch Zika là rất lớn, do các nước xung quanh Việt Nam đã có ca bệnh. Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam số lượng lớn nhưng khó giám sát bởi 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Việt Nam có sự tồn tại phổ biến của loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh Zika. Chưa kể, tập quán, thói quen người dân vẫn chủ quan với muỗi đốt, trong khi khí hậu biến đổi phức tạp, góp phần ảnh hưởng đến nguy cơ xâm nhập và lây truyền bệnh.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay đã thu thập, giám sát và xét nghiệm 784 mẫu đều cho kết quả âm tính với vi rút Zika. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu, các mẫu bệnh phẩm không chỉ lấy tại bệnh viện, mà phải lấy ở cộng đồng. “Bởi khi mới nhiễm vi rút, chưa có triệu chứng, người ta chưa vào viện. Hơn nữa bệnh này biểu hiện triệu chứng nhẹ nên không thể bỏ qua các mẫu ở cộng đồng, trạm xá, mà còn lấy mẫu ở các khu vực nguy cơ cao như gần sân bay, các khu vực tập trung đông khách sạn, du lịch”, Bộ trưởng Tiến chỉ đạo.

Bà Tiến dẫn chứng, nếu có hành khách nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, bị muỗi đốt truyền bệnh, rồi con muỗi này lại đi đốt cho những người khác thì nguy cơ lây bệnh rất lớn. Vì thế, ở các khu vực nguy cơ nơi có nhiều người nước ngoài nhập cảnh cần lấy mẫu giám sát. Hay như khu vực khách sạn, có thể phối hợp với ngành du lịch để vận động lấy mẫu xét nghiệm của nhân viên khách sạn. Việc lấy mẫu giám sát cộng đồng là do ngành y tế chủ động, với người dân bình thường không có yếu tố nguy cơ không nên quá lo lắng đổ xô đi xét nghiệm.

GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, hiện năng lực xét nghiệm Việt Nam hoàn toàn đảm bảo phát hiện ca bệnh nhiễm Zika. Hiện có 11 cơ quan, đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm. Công tác lấy mẫu sẽ được tập trung để giám sát, phát hiện sớm ca bệnh. Bởi hiện tại Việt Nam chưa có bệnh nhân, miễn dịch trong cộng đồng chưa có, trong khi người dân vẫn chưa có ý thức, chủ động ngăn ngừa muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy nên nguy cơ cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu xuất hiện ca bệnh rất dễ lây trên diện rộng vì các yếu tố trên. Về các mẫu nghi ngờ từ Viện Paster Nha Trang chuyển ra, kết quả xét nghiệm đã âm tính với vi rút Zika.

Dễ lọt bệnh nhân tại cửa khẩu

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại đây có 16 nghìn hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong khi đó, các chuyến bay từ Nam Mỹ (nơi có dịch Zika) không có chuyến bay thẳng về Việt Nam mà phải quá cảnh qua các nước, nên rất khó khăn trong việc giám sát ở sân bay vì không thể xác định ai là người từ vùng có dịch.

Vì thế, việc giám sát ở sân bay chỉ mới dừng lại ở những người có biểu hiện sốt, cảm cúm, trong khi đó 80% bệnh nhân nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng điển hình nên việc phát hiện sớm ca bệnh là rất khó khăn.

Tại Hà Nội tình trạng cũng tương tự, mới chỉ có thể giám sát ở người nhập cảnh có triệu chứng, còn không xác định được hành khách nào từ vùng có dịch để phối hợp theo dõi, giám sát trong quá trình lưu trú tại Việt Nam.

Chia sẻ khó khăn trong công tác phòng, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nơi mà vị du khách người Úc có đến cho biết sáng 30/3, tỉnh đã nâng mức độ cảnh báo lên cấp độ 2, coi như đã có ca mắc vi rút Zika. Tuy. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn với tỉnh này là khách du lịch hiện không chỉ nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Cam Ranh của địa phương, mà chủ yếu đến từ các cửa khẩu khác, đặc biệt là du khách đi xuyên Việt, rất khó kiểm soát.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tại các cửa khẩu cần triển khai tờ khai y tế để giám sát được người từ vùng có dịch vào Việt Nam. Để làm được điều này phải phối hợp với công an của khẩu vì chỉ lực lượng này mới có quyền kiểm tra hộ chiếu, xác định hành khách nào từ vùng có dịch nhập cảnh vào nước ta.

TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện giám sát các trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi. Đồng thời thành lập 4 đội đáp ứng nhanh tại tuyến Trung ương và khu vực sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, tổ chức các đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, chỉ đạo địa phương phòng chống dịch bệnh. Theo đó sẽ có 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika năm 2016 để đi kiểm tra, giám sát tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ cao trên toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 30/3, trên thế giới đã có 61 quốc gia, vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virút Zika. Đường lây truyền chính của virút Zika là qua muỗi, ngoài 5 nước đã có bằng chứng cho thấy virút Zika có thể lây truyền qua đường tình dục (Argentina, Pháp, Ý, New Zealand và Mỹ), đường truyền máu, truyền dịch và lây từ mẹ sang con, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền qua sữa mẹ.

Tại TP Nha Trang, nơi du khách Úc từng lưu trú, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”, vào ngày 28/3, với sự tham gia của 500 người dân, cùng các chuyên gia.

Thuỷ Nguyên

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm