Bình Định:

Những bệnh nhân hiếm khi đón Tết ở nhà

(Dân trí) - Trong khi những bệnh nhân nhẹ được xuất viện về nhà đón Tết, thì không ít bệnh nhân ở xóm chạy thận nằm trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định phải đón Tết tại đây. Hầu hết, họ là những bệnh nhân nặng, nhà xa, hoàn cảnh khó khăn.

Những bệnh nhân “đặc biệt” nhiều năm không biết đón Tết ở nhà

Chiều 25/1 (tức 27 tháng Chạp), theo ghi nhận của PV Dân trí ở xóm chạy thận nằm sát cạnh nhà tang lễ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định vẫn rất đông người. Gần 10 năm nay, xóm nhỏ này là nơi “tá túc” của hàng trăm bệnh nhân bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Năm nay, điều đáng mừng cho những bệnh nhân chạy thận, bởi thay cho những túp lều che bạt tạm bợ trước đây, xóm chạy thận đã “thay da đổi thịt”.

Từ tháng 8/2016, dãy nhà lưu trú mới được khánh thành đưa vào sử dụng góp phần vơi bớt cơ cực cho bệnh nhân. Thế nhưng, đã cận Tết nhưng chỉ một số bệnh nhân bệnh nhẹ còn được ghé thăm nhà ngày mùng 1 Tết. Số bệnh nhân nặng, nhà xa và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải lại ăn Tết ở bệnh viện, thậm chí nhiều bệnh nhân cả 10 năm trời chẳng biết đón Tết ở nhà.

Vợ chồng ông Trung bà Đầm (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) 8 năm không đón Tết ở nhà
Vợ chồng ông Trung bà Đầm (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) 8 năm không đón Tết ở nhà

Nằm phía dưới cầu thang ngoài hành lang dãy nhà lưu trú, vợ chồng ông Đặng Minh Trung (49 tuổi, bệnh nhân chạy thận, ngụ huyện Hoài Nhơn, Bình Định), bị tật bẩm sinh, chân liệt phải ngồi xe lăn. Cách đây hơn 10 năm, ông bị phù nề, đi khám bác sĩ cho biết ông bị suy thận mãn tính, phải chạy thận mới duy trì được sự sống. Suốt gần 10 năm với mỗi tuần 3 lần chạy thận, người ông Trung ốm yếu, 2 cánh tay nổi u cục to tướng vì những vết kim tiêm. Ngồi cạnh bên, bà Trần Thị Đầm (51 tuổi, vợ ông Trung) cũng bị tật một bên chân to, chân nhỏ đi lại khập khiểng. Từ ngày ông Trung chạy thận, bà Đầm khăn khói vào Quy Nhơn lo chăm sóc. Rổ giá cạp lại với nhau, nhưng may mắn họ cũng có với nhau được 2 người con. Cô gái lớn nay đã lập gia đình, còn cậu con trai Tết nay là 20 tuổi nhưng phải nghỉ học đi bán dép trong Quy Nhơn kiếm tiền phụ mẹ chữa bệnh cho cha. “Chạy thận tuần 3 lần, may là có bảo hiểm, nhưng khổ nhất là thuốc men mua ngoài đắt đỏ chịu không nỗi. Trước đây, còn nhặt ve chai bán kiếm tiền nhưng giờ ve chai cũng rẻ mà cũng không có mà nhặt, nên không biết làm gì kiếm thêm thu nhập”- bà Đầm bộc bạch.

Dù đã cận Tết nhưng vợ chồng ông Trung chưa về quê ăn Tết cùng con cái. “10 năm chạy thận, thời gian đầu bệnh còn nhẹ, còn sức khỏe thì còn về ăn Tết với con cái. 8 năm nay, bệnh nặng nhà thì xa, vợ chồng đón Tết ở bệnh viện. Trước đây, khi chưa có nhà lưu trú, chỗ ở cực khổ chẳng khác khu ổ chuột. Từ năm ngoái, chúng tôi không lo chỗ ở nhưng lại lo tiền thuốc thang chữa trị” - ông Trung ngậm ngùi.

Bà Nga (bệnh nhân chạy thận) nhiều năm không ăn Tết ở gia đình
Bà Nga (bệnh nhân chạy thận) nhiều năm không ăn Tết ở gia đình

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Thành Chung (57 tuổi, bệnh nhân chạy thận, ngụ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, Bình Định) cũng có “thâm niên” 2 năm chạy thận ở xóm này. Vợ chồng ông Chung làm nông, kinh tế chỉ đủ ăn nhưng từ ngày mắc căn “bệnh nhà giàu” khiến gia đình không thể gượng dậy. Sau 5 năm ròng chạy thận tại bệnh viện Chợ Rẫy, vợ chồng dắt ông đành dắt nhau về Quy Nhơn điều trị cho tiện, giảm bớt chi phí. “15 giờ chiều nay (25/1) là lần chạy thận lần cuối cùng để về quê ăn Tết. Tôi tranh thủ về quê ít ngày, chiều mùng 1 Tết lại vào để chạy thận rồi”- ông Chung nói.

Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, hiện nay tại xóm chạy thận có 50 bệnh nhân chạy thận thường xuyên ở tại nhà lưu trú. Khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện thành lập năm 2008 với 10 máy chạy thận nhân tạo. Ðến nay đã có 34 máy chạy thận nhân tạo thực hiện từ 4 - 5 ca chạy thận/ngày. “Trong số 50 bệnh nhân chạy thận thường xuyên ở tại nhà lưu trú, có khoảng 25 trường hợp thường xuyên ở lại bệnh viện đón Tết. Với các bệnh nhân này, bệnh viện đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, UBND tỉnh, cùng các đơn vị hảo tâm quan tâm tặng quà để bệnh nhân ăn Tết đầm ấm”- bác sĩ Mỹ nói.

Một cặp vợ chồng già dắt tay nhau đi ra từ Khoa Nội thận - Lọc máu
Một cặp vợ chồng già dắt tay nhau đi ra từ Khoa Nội thận - Lọc máu

Bác sĩ Mỹ chia sẻ thêm: “Trước đây, những người về Bệnh viện đa khoa Bình Định chạy thận thường ở luôn tại bệnh viện để tiện việc chạy chữa. Gần khu bệnh viện cũng có nhà trọ giá thấp dành cho bệnh nhân và người nhà nhưng phần lớn những người này có hoàn cảnh khó khăn, không kham nổi chi phí. Họ thường sống tạm bợ dọc hành lang hoặc những gốc cây gần Khoa Nội thận - Lọc máu. Từ ngày có khu nhà lưu trú này, các bệnh nhân phần nào yên tâm ở lại điều trị bệnh được tốt hơn”.

Tết nay, ông Trung sẽ ăn Tết ở nhà đến chiều mùng 1 Tết lại phải chạy vào bệnh viện để mùng 2 chạy thận
Tết nay, ông Trung sẽ ăn Tết ở nhà đến chiều mùng 1 Tết lại phải chạy vào bệnh viện để mùng 2 chạy thận
Tay các bệnh nhân chạy thận nổi u
Tay các bệnh nhân chạy thận nổi u
Những bệnh nhân hiếm khi đón Tết ở nhà - 6

Tay bà Nga chạy thận giờ nhìn rất kinh khủng

Em Trần Thị Ngọc (ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) đang nấu đồ ăn chăm mẹ chạy thận đang ở tại khu dà lưu trú
Em Trần Thị Ngọc (ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) đang nấu đồ ăn chăm mẹ chạy thận đang ở tại khu dà lưu trú

Doãn Công