Đã đào tạo được 30 bác sĩ trẻ về làm việc tại vùng khó khăn

(Dân trí) - Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, đến nay Dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn đã tạo tạo được 30 bác sĩ. Theo đó, đến tháng 5/2017 các bác sĩ sẽ chính thức về làm việc tại các vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa đang rất thiếu bác sĩ.

Một bác sĩ trẻ của dự án (đeo kính) thực hiện ca phâu thuật chửa ngoài tử cung khi lên Mù Cang Chải (Yên Bái).
Một bác sĩ trẻ của dự án (đeo kính) thực hiện ca phâu thuật chửa ngoài tử cung khi lên Mù Cang Chải (Yên Bái).

Chiều 20/12, tại buổi khai giảng lớp chuyên khoa I cho 15 bác sỹ trẻ do Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức, ông Tác cho biết, để về vùng cao làm việc, các bác sĩ được tuyển chọn vào lớp học này được đào tạo như một bác sĩ nội trú, 1 thầy, 1 trò, “cầm tay chỉ việc”. Nhờ vậy, sau thời gian đào tạo 24 tháng khi về cơ sở, các bác sỹ này hoàn toàn có thể làm việc độc lập được.

Các bác sĩ trẻ về vùng khó khăn để làm việc với thời gian tối thiểu 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ, sau thời gian làm việc này, họ sẽ quay trở lại làm việc tại các bệnh viện Trung ương mà họ đã được tuyển dụng trước đó khi tham gia dự án, hoặc các bệnh viện tại quê hương của bác sĩ, theo nguyện vọng.

Theo Bộ Y tế, hiện tại 62 huyện nghèo trong cả nước đang thiếu hơn 500 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó tập trung vào các chuyên khoa nhi, sản, nội, hồi sức cấp cứu và chẩn đoán hình ảnh.

Hồng Hải