Các bác sĩ trẻ về vùng cao mổ thành thục ruột thừa, chửa ngoài tử cung nội soi

(Dân trí) - Sau khi được đào tạo “cầm tay chỉ việc”, các bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao làm việc đã làm chủ 160 kỹ thuật, trong đó gồm có cả nuôi dưỡng tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh sinh non, mổ ruột thừa, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi …

Tại Lễ bàn giao bác sĩ chuyên khoa I khóa II và khai giảng chuyên khoa I khóa 8 diễn ra tại Trường ĐH Y Hà Nội chiều ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao hiệu quả của dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.

Trong đợt này, 7 bác sĩ trẻ sẽ về các huyện nghèo của Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên làm việc. Ảnh: H.Hải
Trong đợt này, 7 bác sĩ trẻ sẽ về các huyện nghèo của Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên làm việc. Ảnh: H.Hải

Theo Bộ trưởng, dự án với mục tiêu lâu dài sẽ tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Người dân tại địa phương sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Dự án được triển khai thực hiện vào tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Trong đợt này, 7 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 2 trong tổng số 154 bác sỹ đang được đào tạo sẽ về công tác tại các huyện của 4 tỉnh Cao Bằng (2 bác sĩ), Lai Châu (2 bác sĩ), Hà Giang (2 bác sĩ) và Điện Biên (1 bác sĩ). Khóa 8 với 28 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn khắt khe cũng chính thức được khai giảng.

TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, giám đốc Dự án cho biết, trước đó, cuối tháng 6/2017, Bộ Y tế đã bàn giao 7 bác sĩ trẻ chuyên khoa I, tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo của 4 địa phương là: Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên và Sơn La. Đánh giá nhanh kết quả bước đầu 7 bác sĩ công tác trong 5 tháng cho thấy, các bác sĩ làm chủ 56 kỹ thuật ngoại, trong đó kỹ thuật cao nhất là cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi.

Về chuyên ngành Nhi, các bác sĩ trẻ đã thực hiện được 31 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là chọc não tủy và nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh.

Về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ trẻ đã làm được 62 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là siêu âm Doppler chẩn đoán bệnh lý mạch máu.

Dự án vẫn tập trung đào tạo bác sĩ trẻ chuyên khoa I cho 10 chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.

Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại BV/TTYT huyện nghèo.

Hồng Hải