Bộ trưởng Bộ Y tế: "Trước trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25 nghìn”
(Dân trí) - Nói về thực trạng các chính sách để thu hút, động viên cán bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết "Lương của bác sĩ mổ ở tuyến huyện có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh có thể 15 triệu đồng mỗi tháng. Tiền trực cũng cải thiện, như tuyến xã trước hay nói trực chưa được bát phở, thì nay được 25 ngàn”.
Vì lương cao bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm
Trả lời chất vấn các đại biểu, tư lệnh ngành y tế cho biết sau khi đã có những tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quy định về chế độ đặc thù, thu nhập của cán Bộ Y tế đã tăng lên.
“Chúng tôi đi đến các xã miền núi ở tỉnh Điện Biên, hỏi Trạm trưởng Y tế xã thì họ nói rằng tổng thu nhập, bao gồm phụ cấp, được 12 triệu đồng/tháng, anh em yên tâm làm việc", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng như các đại biểu phản ánh, đó là tình trạng nhân lực y tế vẫn còn thiếu và yếu; có thực trạng bác sĩ tuyến dưới muốn chuyển lên tuyến trên, tuyến thành phố. Bác sĩ giỏi thì cố gắng làm ở BV lớn hoặc ra ngoài làm BV tư để lương cao hơn. Đây là thực trạng có thật không chỉ riêng Việt Nam.
Trước chất vấn của đại biểu quốc hội đặt ra từ sáng về phát triển y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Ngành y tế ưu tiên phát triển y tế cơ sở trong nhiệm kỳ này. Trong điều kiện xuất phát điểm, GDP cho y tế đã cố gắng nhưng còn khiêm tốn so với nhu cầu, lại có khó khăn là vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo, ngành y tế lựa chọn vấn đề ưu tiên nóng bỏng giải quyết. Về y tế cơ sở, nhân lực y tế phải giải quyết trong nhiệm kỳ này. Những vấn đề khác phải lâu hơn, như vấn đề bệnh cấp tính, mãn tính, chuyên sâu”, bà Tiến nói.
Ngành y tế đã ra những quyết định về loại hình đầu tư với trạm y tế xã chứ không giàn trải để tránh lãng phí nhân lực. “Ví như trạm y tế xã không đẻ nữa không đầu tư phòng đẻ. Trạm nào không phát triển y học cổ truyền thì không phát triển vườn thuốc nam”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, hiện ngành y tế đang thực hiện tinh giảm biên chế, thu gọn đầu mối. Các Trạm Y tế sẽ thuộc Trung tâm y tế huyện. “Có những tỉnh 9 trung tâm, 13 trung tâm nhập lại thành 2 trung tâm. Dự kiến tinh giảm được 1.000 cả cấp trưởng, cấp phó. Khi tập trung đầu mối sẽ tiết kiệm được chi phí về cơ sở hạ tầng, giảm nhân lực, đi lại, giao ban cũng dễ dàng. Còn tiến trình thực hiện chậm vì quá khó sắp xếp cán bộ. Trước tuyến tỉnh 8 - 9 giám đốc giờ chỉ một giám đốc phải sắp xếp thế nào? Chúng tôi sẽ ban hành thông tư hướng dẫn trong tháng này”, Bộ trưởng khẳng định.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nữ Bộ trưởng cho biết ngành y tế đưa ra nhiều giải pháp về đào tạo như đào tạo cử tuyển, đào đào tạo theo địa chỉ, có hình thức đề án thí điểm bác sĩ trẻ về vùng cao… 7 bác sĩ đầu tiên trải qua 9 năm học chuẩn bị được bàn giao cho Lào Cai. Tiếp đó 79 bác sĩ nữa sẽ được chuyển về các địa phương có nhu cầu.
Bên cạnh đó các đề án BV Vệ tinh, đề án 1816 đã đưa nhiều kỹ thuật khó xuống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Nhiều BV tỉnh đã làm can thiệp tim mạch, mổ nội soi, chấn thương sọ não, ung thư… mà trước kia phải chuyển tuyến trên, cứu sống nhiều bệnh nhân tại chỗ.
Hay việc đào tạo cô đỡ thôn bản đến tận nhà để đỡ đẻ. Đây là mô hình được quốc tế đánh giá sáng tạo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tiến đặt câu hỏi: “Tại sao nhân lực thiếu, bác sĩ thiếu mà chúng ta lại giảm biên chế? Có mâu thuẫn không? Chúng ta có viên chức chuyên nghiệp theo ngạch nghề nghiệp. Cơ sở y tế tuyển tối đa số bác sĩ vào biên chế. Hiện Bộ Y tế đang đưa ra dự thảo, với đơn vị tự chủ hoàn toàn với mô hình hội đồng quản trị, tổng giám đốc sẽ được tự chủ nguồn nhân lực. Họ tuyển khi họ cầu. Còn viên chức chuyển thành người lao động, hợp đồng lao động, họ làm tốt vẫn làm cả đời”, Bộ trưởng nói.
Bà Tiến thông tin thêm, hiện tỷ lệ bác sĩ đã đạt 8 bác sĩ/10 ngàn dân. Tỷ lệ này ở một số nước trong khu vực không bằng chúng ta. Vấn đề là phải sử dụng hiệu quả. Các tuyến tỉnh, tuyến huyện khó thu hút bác sĩ, Bộ Y tế đã ban hành chính sách, địa phương hoàn toàn có những chính sách sáng tạo để hút bác sĩ. Như bác sĩ về công tác tại tuyến huyện tỉnh được tuyển biên chế, hỗ trợ căn hộ, đất làm nhà.
Bác sĩ tuyến xã là “người gác cổng” gần dân
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Vẫn còn tình trạng phải nằm ghép ở một số bệnh viện lớn"
Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho biết bà hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng về y tế cơ sở mà các đại biểu khác đã hỏi. Tuy nhiên, đại biểu muốn Bộ trưởng làm rõ vấn đề về tình trạng quá tải tuyến huyện, tỉnh từ khi thực hiện thông tuyến.
“Có giải pháp cụ thể để vừa thực hiện thông tuyến, vừa phát huy được nguồn lực của tuyến y tế cơ sở, đảm bảo người dân được thực hiện khám chữa bệnh tại cơ sở tốt hơn?”, đại biểu Thủy đặt câu hỏi.
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng việc thông tuyến tuyến khám bệnh tuyến huyện khiến người dân không mặn mà trạm y tế xã. “Như vậy việc phát triển cho tuyến cơ sở gặp khó khăn, Bộ Y tế có giải pháp gì để đảm bảo chính sách tăng cường khám chữa bệnh tuyến xã?’.
Trả lời câu hỏi về thông tuyến của các đại biểu, Bộ trưởng khẳng định việc thông tuyến là tạo điều kiện để người dân tiếp cận, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa y tế cơ sở. Thực tế cũng xảy ra khi thông tuyến đó là tuyến huyện quá tải, tuyến xã vắng vẻ, bởi người bệnh mong muốn được đến tuyến huyện thanh toán nhiều hơn, bác sĩ tốt hơn, trong đó địa bàn đi lại dễ dàng.
Vì thế, Bộ Y tế đã họp với BHXH để tăng cường cơ sở, hạ tầng, trang thiết bị, nhận lực cho tuyến y tế cơ sở. “Nhân lực tuyến xã phải là người gác cổng, gần dân rất, chăm sóc dân nhất. Mô hình y học gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội), Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế bệnh nhân đến trạm xá đông như BV huyện. Có được điều này bởi đang thực hiện thí điểm tăng dịch vụ xét nghiệm, đưa cán bộ y tế tuyến huyện về xã, tăng cường thuốc. Ví như thí điểm cấp thuốc tim, huyết áp mà tuyến huyện được cấp. Các cụ thích khám gần để có điều kiện đi lại dễ dàng”, Bộ trưởng nói.
Sẽ tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, 2 cho y tế tuyến xã, huyện. “Riêng tuyến xã đầu tư y học gia đình. Bác sĩ có thể đào tạo hệ chính quy cử tuyển, liên thông. Ra trường khuyến khích học ngay chuyên khoa y học gia đình bởi ở tuyến xã nơi khám chữa bệnh ban đầu gặp tất cả các loại bệnh, bác sĩ phải có kiến thức để tư vấn được cho người bệnh”.
Hồng Hải