Bộ trưởng Y tế: Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật
(Dân trí) - Trong phiên chất vấn sáng nay tại Quốc hội, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã có hơn 7.000 cán bộ tế bị kỷ luật, từ hình thức khiển trách đến đuổi khỏi ngành trong nỗ lực thay đổi phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế với bệnh nhân.
10h10 phút sáng nay (14/6), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người thứ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 58 đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế về 4 nhóm vấn đề: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trước câu hỏi của 6 cử tri đầu tiên tham gia chất vấn, Bộ trưởng Y tế đã chia thành các nhóm nội dung để trả lời.
Về quản lý viên chức ngành y tế, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết đã có những biện pháp thường xuyên nào để cải thiện phong cách phục vụ của nhân viên y tế. Bởi theo phản ánh của người bệnh, có y tá, điều dưỡng có lời lẽ khiếm nhã, nếu không muốn nói là xúc phạm người bệnh; trong khi nhìn ra các nước, cán bộ y tế còn cảm ơn người bệnh.
Cùng nêu vấn đề tương tự là đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) với câu hỏi giải pháp nào để nâng cao thái độ để tương xứng với sự tang lên của viện phí.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ngay: Vấn đề thái độ, phong cách như các đại biểu nêu là có nhưng là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh - đâu đó có những cán bộ y tế có thái độ y tế không tốt.
Bộ trưởng cho biết Ngành đã có nhiều giải pháp tổng thể đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, từ tuyên truyền vận động đến đường dây nóng, thùng thư góp ý, đặt camera giám sát, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh… Kết quả là đã có 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, từ cảnh cáo, khiển trách đến cao nhất là đuổi khỏi ngành trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên y tế, giúp thu nhập tăng lên, tạo ra sự đổi mới toàn diện. Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế UNDP, chỉ số PAPI đã cải thiện rất rõ rệt ở tuyến tỉnh, tuyến xã.
"Còn trường hợp của đại biểu phản ánh thì chúng tôi cũng tiếp thu hơn nữa để quyết liệt duy trì" Bộ trưởng Y tế nói.
Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật
Giá biệt dược cao là phản ánh đúng
Về vấn đề quản lý dược, đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi về biện pháp quản lý nhập khẩu, nâng cao chất lượng trang thiết bị máy móc và đảm bảo an toàn thuốc trước báo cáo của đại diện kiểm toán ngày 23/5 về việc phát hiện nhiều thiết bị chưa hết khấu hao, mới dung đã hỏng, máy móc phải đắp chiếu, cùng một vật tư y tế nhưng được Bộ Y tế phê duyệt nhiều mức giá khác nhau, có cái lên tới 7 lần…
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có chuyện người bệnh khám ngoại trú mua thuốc trong nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá thuốc do bác sĩ cấp khi điều trị nội trú.
Tuy nhiên, bà cho biết, theo quy định, giá thuốc bán ra của bệnh viện chỉ được cao hơn 10-15% so với giá trúng thầu. Còn thuốc tại nhà thuốc bệnh viện lại mua từ nguồn khác nên ảnh hưởng đến giá cả.
Bà Bộ trưởng cho biết: "Các đại biểu cũng hiểu rất rõ là Thông tư này đang được điều chỉnh, chúng tôi đã tiếp thu và sẽ sửa" và khẳng định khi có Thông tư sẽ yêu cầu nhà thuốc trong bệnh viện phải bán đúng giá theo quy định như giá thuốc trúng thầu bệnh viện. Theo đó, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện phải bằng giá thuốc của bệnh viện.
Còn giá thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ sẽ phải tuân thủ theo quy luật thị trường. Nơi nào thuốc chất lượng, giá rẻ sẽ rất đông ngườ mua. Riêng việc giá chênh lệch nhiều sẽ có các lực lượng kiểm tra liên ngành. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến sẽ phối hợp các lực lượng để giải quyết.
Còn nhìn chung, "trong thời gian qua với ban hành một loạt thông tư đồng bộ thực hiện Luật đấu thầu, Nghị định đấu thầu thì phải nói rằng thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao. Trong CPI của những mặt hàng thiết yếu thì thuốc vẫn là đứng thứ 9, thứ 10 có nghĩa là không tăng đột biến".
Ngoài ra, theo đánh giá độc lập mới đây của tổ chức quốc tế IMF, giá của các thuốc biệt dược tại Việt Nam thấp hơn 10% so với 6 nước trung bình ASEAN. Trong khi đó, giá tại Philippines và Thái Lan cao hơn lần lượt là 37% và 19%. Riêng với thuốc gốc (generic) cho các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường ở Việt Nam thấp hơn 33%, trong khi Philippines và Indonesia cao hơn lần lượt 72% và 20%.
Tuy nhiên, theo bà Bộ trưởng, cái cần phải điều chỉnh là giá biệt dược. “Giá biệt dược cao là phản ánh đúng” bà Tiến nói.
Do có bản quyền nên biệt dược rất độc quyền, tập trung ở thuốc chuyên khoa ugn thư, tim mạch. Hiện đang có 700 thuốc biệt dược, 500 thuốc biệt dược gần hết bản quyền. “Chúng tôi sẽ đề xuất điều chỉnh thông tư 11 để thuốc gần hết bản quyền sẽ đưa vào đấu thầu. Việc đấu thầu sẽ giúp giảm giá thuốc. Hiện đã giảm 30%, phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc nữa.
Kiểm toán có quyền kết luận nhưng các cơ sở y tế không đồng thuận
Về vấn đề đầu tư trang thiết bị, ý kiến của đại biểu Nguyễn Chiến là kiểm toán kết luận vừa qua có 3 ý (Một là nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, nhiều máy đắp chiếu), Bộ trưởng Y tế giải trình rất rõ ràng:
"Vừa rồi ngân sách chúng ta không đủ, một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng vì công suất quá lớn, kể cả tuyến tỉnh, đó là thực trạng xảy ra.
Thứ hai, một số máy đắp chiếu. Có thể kiểm toán trong giai đoạn có máy trong thời gian bảo hành, bảo trì, có loại máy phải nhà bảo hành, bảo trì của nước ngoài đến, chúng tôi đã gặp trong thực tế việc này.
Thứ ba, hiệu quả chưa cao. Có lẽ Việt Nam là nơi sử dụng máy công suất khá lớn, theo đánh giá của các nước. Đáng lẽ chúng ta phải mua nhiều máy hơn, thời gian khấu hao phải tốt hơn nữa. Đó là do công suất sử dụng quá lớn, ngay cả ở tuyến tỉnh. Nguyên nhân là do ngân sách không thể mua đủ máy móc trong khi đáng ra, nơi có lượng bệnh nhân đông cần phải được mua nhiều máy móc hơn".
Việc quản lý trang thiết bị chi phối bởi rất nhiều luật như Luật quản lý chất lượng, Luật tiêu chuẩn, Luật người tiêu dùng, rất nhiều luật tiêu chuẩn và quy chuẩn. Bộ Y tế đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết đã trình và ra được Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị.
Quy trình để mua sắm đấu thầu các trang thiết bị tương đối khá chặt chẽ, phải đi qua các khoa, phòng đạt nhu cầu, có hội đồng khoa học độc lập, tư vấn xem nhu cầu đó có chính đáng không và cấu hình và các tính năng kỹ thuật. Sau đó Giám đốc bệnh viện phê duyệt, những quản lý này, báo cáo chúng tôi đã phân cấp, phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp cũng như của các Sở Y tế và họ thực hiện quy trình theo Luật đấu thầu và Nghị định đấu thầu.
Tuy nhiên trong thời gian tới chúng tôi có lẽ phải trình Quốc hội để ban hành luật về quản lý trang thiết bị.
Bộ trưởng Y tế: Cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận của kiểm toán
Về kết luận của kiểm toán rằng giá thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế, bà Kim Tiến cho biết: “Kiểm toán có quyền kết luận nhưng các cơ sở y tế không đồng thuận”.
Bà Bộ trưởng giải thích: Chênh lệch giá cao với một mặt hàng, đối với một hãng có thể cao gấp 6 đến 7 lần. Bởi vì trang thiết bị vật tư y tế có nhiều chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đóng gói, đặc biệt là sử dụng.
Ví dụ như cùng có tên là Kim cánh bướm, bệnh viện Việt Đức mua giá chỉ 6.500 nhưng ở Bệnh viện Chợ rẫy là gấp 7 lần. Bởi kim cánh bướm của bệnh viện Chợ Rẫy có khóa, van, đầu vát hơn, nhằm tránh đau cho bệnh nhân ghép tạng.
Tương tự như vậy, dây truyền dịch và các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng chức năng sử dụng khác nhau nên rất khác nhau về giá. Chúng tôi đã giải trình và những giá đấu thầu ở những bệnh viện đó thì theo các đánh giá của Thanh tra Bộ Y tế và các đoàn giám sát thì vào loại giá thấp nhất.
Trần Phương
Mail: tranthuphuong@dantri.com.vn