Đại biểu quốc hội: Cần chấm dứt cơ chế xin - cho trong thanh toán BHYT

(Dân trí) - Trước ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội cho rằng BHYT đang siết chi, đi ngược lại nguyện vọng, chính sách tăng chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn đánh giá: “Quan hệ giữa khám bệnh – bảo hiểm - người bệnh luôn “co kéo” như một hình tam giác.


Ảnh: Việt Hưng

Ảnh: Việt Hưng

Trong phiên chất vấn chiều nay, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm trước chính sách siết chi của BHYT.

“Việc siết chi sẽ hướng y tế nước nhà theo mô hình y tế giá rẻ để giảm chi. Việc này đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng y tế, tự chủ bệnh viện, y đức, thậm chí có ý kiến cho rằng liên quan đến những tai biến gia tăng. Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế quan điểm về vấn đền này như thế nào”, đại biểu Thường đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quan hệ giữa khám bệnh - người bệnh - bảo hiểm luôn co kéo như một hình tam giác. bệnh nhân luôn muốn hưởng cao nhất; ngành y tế muốn sử dụng thuốc tốt nhất, máy hiện đại nhất, chữa tốt nhất cho người bệnh; BHYT phải giữ quỹ, không phá quỹ phải có mức chi nhất định. Nếu cân thì hài hòa quyền lợi. BHYT chắc chắn có giải pháp cân bằng thu chi, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

“Còn trong y tế, Hội đồng y khoa đưa ra phác đồ tiên tiến nhất để điều trị”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, vấn đề khám chữa bệnh BHYT có 2 vấn đề rất bức xúc, ảnh hưởng chính sách tốt đẹp của nhà nước.

“Đó là tình trạng lạm dụng chẩn đoán điều trị, khai khống hồ sơ. Ngược lại BHXH dựa vào lợi thế của mình không thanh toán, xuất toán dù đầy đủ hồ sơ. Một số trường hợp BHXH không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại can thiệp sâu vào hồ sơ thanh toán. 2 mặt của vấn đề trên ảnh hưởng trực tiếp chăm sóc nhân dân. Về phía Bộ trưởng có giải pháp gì, Bộ trưởng sẽ tự mình phối hợp hay đề xuất Chính phủ chỉ đạo BHXH để chấm dứt hiện tượng tôi cho rằng xin - cho trong thanh toán BHYT”, đại biểu Trường Giang nêu ý kiến.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội: Có yếu tố bất thường trong chi bảo hiểm

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về vấn đề BHYT, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh đánh giá, Luật BHYT Quốc hội thông qua có hiệu lực 2015 là bước tiến dài về an sinh xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ khi mà quyền lợi người bệnh được hưởng so với mức đóng rất cao. Sau khi Luật ban hành người nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên được tiếp cận y tế tốt.

Quản lý BHYT vừa qua làm được nhiều việc lớn, mỗi năm khám 150 triệu lượt người. 83% dân số có BHYT. Mỗi người dân mức thu quỹ BHYT chưa đến 30 đô với tổng quỹ mỗi năm trên 70 nghìn tỷ. Tổng quỹ BHYT được phép sử dụng 2017 là 73 nghìn tỷ. Số chi quý 1 của các cơ sở, năm nay chi khoảng 80 nghìn tỷ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng tranh luận với ý kiến của TGĐ BHXH VN. “Mục tiêu chúng ta là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người dân là chủ số tiền mà BHXH đang quản lý thay. Thế nhưng BHXH mới tập trung tiêu cực trong trục lợi. Điều này xảy ra bất cứ đâu khi cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Ở đây phải xem lại trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho người dân, cho ngành y tế”, đại biểu Phong Lan nói.

Theo bà Lan, trước nguy cơ vỡ quỹ, phải thấy được nguyên nhân từ đầu. Tổng giám đốc BHXH khẳng định thu ít, chi nhiều, vậy muốn không vỡ quỹ, bài toán đặt ra như thế nào chứ không chỉ nhăm nhăm siết chi. Trong siết chi, bệnh viện bức xúc bởi nhận được những cuộc gọi điện thoại, gửi email nhắc nhở, điều này cũng tiềm ẩn yếu tố tiêu cực không khác gì người bệnh đi khám lạm dụng quỹ BHYT.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ AN) tranh luận với TGD BHXH về tình trạng: “Giám định viên không phải là bác sĩ, không có kiến thức đi giám định, thích cắt ai thì cắt, cặt thật lực. BS bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi. Không thực hiện dọa cắt BHYT. Cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia công khai để thực hiện, không thể để tình trạng này”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị Bộ Y tế xem lại quy định để Chính phủ sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản chi trả từ quỹ BHYT căn cứ vào tình hình xã hội của đất nước. Vì chưa có gói này, mức chi không đảm bảo cho người dân.

“2 ngành cũng bối rối, BHXH muốn giữ tiền cho chắc, ngành y tế muốn chăm sóc sức khỏe nhân dân với điều kiện tốt nhất. Vừa qua, việc thực hiện một số chính sách, trong đó có tăng giá viện phí cho thấy khả năng mất cân bằng quỹ là trong tuong lai”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Đại biểu cũng kiến nghị hiện còn khoảng 30 – 40 tỉnh bị BHXH khoanh nợ khi đã chi phí khám chữa bệnh mà không được thanh toán. Vì thế hai bên cần ngồi lại xử lý, BV sai thì cắt, đúng thì phải khẩn trương thanh toán.

Dù có rất nhiều ý kiến tranh luận với Tổng giám đốc BHXH VN, nhưng chủ tọa thống nhất phiên chất vấn là dành cho Bộ trưởng, nên để thời gian để Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung trả lời các vấn đề. Các chất vấn của đại biểu về BHYT sẽ được trả lời bằng văn bản.

Về các chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các đại biểu đại diện cho ngành phản đối không nên siết chặt, cần chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. “Qua ý kiến trong hội trường thấy các quan niệm khác nhau, chúng tôi đứng về người bệnh, bác sĩ, người bệnh muốn được hưởng lợi cao nhưng bảo hiểm hạn chế.

Thực tế quỹ BHYT cũng đã chi trả rất lớn. Có những danh mục thuốc không nằm trong BHYT không được thanh toán. Nhưng với mức đóng hiện nay, mức hưởng này, các nước trong khu vực đánh giá Việt Nam áp dụng mức hưởng khá là rộng so với mức đóng. Tôi đi thăm bệnh nhân ung thư, nhiều người được thanh toán gần hết.

Trong ngành chúng tôi quán triệt các hành vi trục lợi, lạm dụng là xử lý nghiêm theo pháp luật để làm nghiêm. Thực hiện nghiêm theo phác đồ điều trị tránh hạn chế xét nghiệm, thanh kiểm tra, xử lý theo nghị định xử lý hành chính. Hiện ngành y tế đang cùng BHXH nối thông hệ thống thông tin giữa cơ sở khám chữa bệnh với hệ thống giám định BHXH”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang thanh toán theo phương thức cũ, theo phí dịch vụ. “Đó là tiêu bao nhiêu trả bấy nhiêu, càng tiêu nhiều thanh toán nhiều, người dân cũng lạm dụng đi khám để lấy nhiều thuốc, cán bộ kê toa nhiều để tăng mức chi. Hiện Bộ Y tế dang nghiên cứu xây dựng phương thức thanh toán mới theo định xuất xuất ca bệnh, ví dụ khoán mổ ca ruột thừa l2 triệu, thì không thể lạm dụng, kéo dài thời gian nằm viện.

Phương pháp thứ 3 là theo nhóm ca bệnh, theo triệu chứng. Các nước phải mất 10 - 20 năm mới hoàn thiện phương pháp này. Nhât Bản vẫn chi trả như ta nhưng họ kiểm soát tốt bởi CNTT rất tốt, họ giám định từng bệnh án, không thể trục lợi.

Hồng Hải