1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

95% bệnh nhân phẫu thuật phải dùng kháng sinh kéo dài

(Dân trí) - Nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ không còn thuốc điều trị trong tương lai bởi tình trạng kháng kháng sinh ở hiện tại. Có tới 95% bệnh nhân phẫu thuật phải sử dụng kháng sinh kéo dài, hơn 52% bệnh nhân bị chỉ định kháng sinh không hợp lý.

Từ năm 2011 Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng báo động nguy cơ kháng thuốc trên toàn cầu. Trước thực tế nhày càng gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh, với mức độ trung bình là hơn 50%, một số loại đặc biệt bị kháng lên tới hơn 90%, cuối năm 2015 Bộ Y tế Việt Nam đã phát động cuộc chiến đẩy lùi thảm họa này.

95% bệnh nhân phẫu thuật phải sử dụng kháng sinh kéo dài tăng nguy cơ tử vong
95% bệnh nhân phẫu thuật phải sử dụng kháng sinh kéo dài tăng nguy cơ tử vong

Tại buổi Hội nghị Khoa học Kỹ thuật tổ chức ngày 11/11, PGS.TS Lê Thị Anh Thư chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: Kháng kháng sinh xảy ra là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong quá trình điều trị cho người bệnh. Tình trạng kháng kháng sinh xảy ra trên toàn cầu nhưng đặc biệt nguy hiểm tại các nước đang phát triển với tỷ lệ thuốc bị kháng rất cao.

Riêng tại Việt Nam, số liệu khảo sát tại 16 bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và bệnh viện nhi cho thấy, có tới 60% bệnh nhân nội trú được chỉ định sử dụng kháng sinh, trên 52% bệnh nhân bị chỉ định sử dụng kháng sinh không hợp lý 95% bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài ít nhất 5 đến 7 ngày sau phẫu thuật đây là hệ quả từ việc sử dụng kháng sinh không hợp lý từ trước nên khả năng đáp ứng với thuốc không cao. Chi phí cho kháng sinh chiếm tới 45% trên tổng chi phí trong quá trình điều trị cho người bệnh.

Phân tích chuyên môn của PGS Anh Thư chỉ ra, sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng kháng kháng sinh, giảm hiệu quả của thuốc, giảm hiệu quả điều trị, tăng chi phí y tế. Sử dụng kháng sinh sai gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong tử vong cho bệnh nhân. Hiện nay, các bệnh viện vẫn chưa chú trọng đến sử dụng kháng sinh trong dự phòng mà chủ yếu dùng trong và sau phẫu thuật khiến tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ kháng kháng sinh cho người bệnh, PGS Anh Thư khuyến cáo, các bác sĩ mỗi khi đứng trước quyết định nên cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh hay không, trước hết cần phải tính đến phương án hạn chế đến mức tối đa. Nếu buộc phải chỉ định cho người bệnh thì nên dùng kháng sinh đúng bệnh, đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thời gian. Mặt khác, ngành y tế cần tăng cường đào tạo kiến thức chuyên môn về sử dụng kháng sinh hợp lý cho các bác sĩ để rút ngắn thời gian điều trị. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ giám sát, quản lý chất lượng để tránh tình trạng lạm dụng mà phải hướng tới sử dụng hợp lý kháng sinh.

Kháng sinh là loại thuốc bắt buộc phải kê toa, tuy nhiên Việt Nam còn buông lỏn quản lý,chưa triệt để thực hiện quy định này, các loại kháng sinh phổ biến có thể tìm mua được ở bất kỳ nhà thuốc nào. Ngoài việc đề xuất Bộ Y tế sớm có giải pháp chặn đứng tình trạng trên, PGS Anh Thư khuyến cáo cộng đồng, tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh và sử dụng kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp phải sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ chỉ định điều trị uống đúng liều lượng và đủ số thuốc được kê toa để hạn chế tối đa tình trạng lờn thuốc.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm