Bài 58:
Vụ cổ phần hóa HACINCO: Nhà đầu tư “mỏi mắt” đợi kết luận của Thanh tra Chính phủ!
(Dân trí) - Mặc dù cuộc họp của Thanh tra Chính phủ được tiến hành vào tháng 7/2017 đến nay đã gần 1 năm, thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư hợp pháp tham gia cổ phần hóa Công ty Hacinco vẫn chưa được biết nội dung báo cáo chính thức của Thanh tra Chính phủ đối với Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Công văn số 3229/VPCP-V.I.
Nhà đầu tư ngóng đợi kết luận của Thanh tra Chính phủ
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), như báo điện tử Dân trí đã đưa tin, trước kiến nghị hoàn tất cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định pháp luật của các nhà đầu tư hợp pháp và Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, ngày 04/04/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến các cơ quan chức năng liên quan trong vụ việc này.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của các nhà đầu tư hợp pháp và Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội về quá trình cổ phần hoá tại HACINCO, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/5/2017.
Tuy nhiên, đến ngày 28/7/2017, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành cuộc họp với các nhà đầu tư và các bên liên quan về việc chuyển đổi HACINCO thành Công ty cổ phần.
Công văn kiến nghị nhiều nội dung trong vụ cổ phần hóa Công ty Hacinco được Công ty cổ phần NCX Hà Nội gửi Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Và mặc dù cuộc họp của Thanh tra Chính phủ được tiến hành vào tháng 7/2017 đến nay đã gần 1 năm, thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư hợp pháp tham gia cổ phần hóa Công ty Hacinco vẫn chưa nhận được nội dung báo cáo chính thức của Thanh tra Chính phủ đối với Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Công văn số 3229/VPCP-V.I.
Thực trạng này của vụ việc khiến dư luận xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư không khỏi băn khoăn: Tại sao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lại không được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian chỉ đạo?
Trên thực tế, sau khi Thanh tra Chính phủ tiến hành buổi làm việc với các bên liên quan trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, Thanh tra Chính phủ đã ban hành dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra cổ phần hóa tại Hà Nội và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Đối với nội dung dự thảo này, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã có Công văn hỏa tốc số 1124/BĐMDN ngày 27/10/2017 gửi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ một số điểm bất hợp lý trong nội dung dự thảo, cụ thể:
- Đối với nội dung dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp khẳng định: “… dự thảo báo cáo chưa làm rõ nội dung của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội kiến nghị về chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội…”
- Đối với nội dung dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần và việc thanh toán tiền mua cổ phần của một số nhà đầu tư chuyển nợ thành vốn góp, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng nêu rõ:
“Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì việc chuyển tất cả các khoản nợ thành tiền thanh toán mua cổ phần (góp vốn) là trái với quy định tại Điều 12 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ. Nghị định số 187/2004/NĐ-CP quy định chỉ các khoản nợ đến hạn hoặc quá hạn mới được chuyển nợ thành vốn góp.
Điều này đã được cơ quan Công an TP Hà Nội báo cáo tại công văn số 440 BC-CAHN-PC15 (Đ1) ngày 18/4/2006 và Công văn số 07/CV-CAHN (PC15) ngày 16/10/2007 trong đó đã nêu rõ sai phạm của việc chuyển nợ thành vốn góp khi mua cổ phần tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó cũng khẳng định những vi phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trong quá trình cổ phần hóa (báo cáo số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007)…”
Từ đó, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, nghiên cứu thêm và điều chỉnh lại kết luận thanh tra cho đúng với quy định.
Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.
Nội dung kiến nghị chính xác, khách quan của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại Công văn hỏa tốc số 1124/BĐMDN ngày 27/10/2017 khiến các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ năm 2005 vô cùng vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào việc quyền – lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui thì các nhà đầu tư cũng bày tỏ những nỗi niềm lo lắng, hoang mang của mình về việc các ý kiến do Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đưa ra đã được Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung như thế nào? Các kiến nghị của đại diện một số nhà đầu tư hợp pháp cũng như Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội trong vụ việc này đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận đến đâu? Những nội dung khác của bản dự thảo có phù hợp với các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư? Các quy định pháp luật đã rõ ràng, các sai phạm của doanh nghiệp cũng đã rõ ràng, vậy tại sao bản dự thảo đã được ban hành gần 1 năm nhưng vẫn chưa thế đi đến sự thống nhất chính thức? Vấn đề nằm ở chỗ: Ai sẽ là người thực sự thấu hiểu rằng: Thêm một ngày cổ phần hóa HACINCO trễ hẹn là thêm một ngày quyền – lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư bị xâm phạm?
Liên quan đến vấn đề tiến độ cổ phần hóa HACINCO, các chuyên gia pháp lý cũng đã từng nhận định: Quá trình cổ phần hóa HACINCO đã kéo dài quá thời hạn được pháp luật quy định hơn mười năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại doanh nghiệp. Trên thực tế, các sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa đã được chỉ rõ, vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ, giá trị cổ phần hợp pháp của từng đối tượng nắm giữ tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa cũng đã được xác định rõ. Do vậy, Thanh tra Chính phủ không có lý do để trì hoãn việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ và quá trình cổ phần hóa HACINCO cũng không còn lý do để trễ hẹn với các nhà đầu tư.
Giám đốc Công ty HACINCO dính hàng loạt sai phạm, về hưu có “hạ cánh an toàn”?
Ngày 16/1/2007, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo số 07/CV/CAHN (PC15) do Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó giám đốc ký chỉ rõ 5 sai phạm trong quả trình cổ phần hóa tại Công ty HACINCO.
Thứ nhất, thực hiện chế độ bán cổ phần ưu đãi: Theo văn bản số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 của Bộ lao động thương binh xã hội và văn bản số 133/LĐTBXH-CSLĐVL ngày 5/5/2006 của Sở lao động thương binh xã hội Hà nội, trong thực hiện chế độ cổ phần ưu đãi Công ty đầu tư xây dựng số 2 đã thực hiện 2 lần với 498 cán bộ công nhân viên vì vậy với tổng số 3.281 năm = 328.100 cổ phần ưu đãi bán không đúng chính sách chế độ.
Ngay sau khi xác định cổ phần ưu đãi đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ chủ chốt mua gom cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên (CBCNV). Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Giám đốc Công ty 2, mua gom 92.300 cổ phần của 40 CBCNV; Ông Nguyễn Đình Chiến (anh ruột ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty) mua gom 71.810 cổ phần của 41 CBNV; Bà Nguyễn Thị Vinh - Giám đốc khách sạn thể thao (em ruột ông Sỹ) mua gom 22.000 cổ phần của 15 CBCNV.
Dư luận đặt ra câu hỏi về việc nguyên giám đốc Công ty HACINCO, ông Nguyễn Chí Sỹ mắc hàng loạt sai phạm liệu về hưu có "hạ cánh an toàn"?
Công an TP Hà Nội khẳng định: Việc làm trên vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.
Thứ hai, thực hiện chuyển nợ thành vốn góp sai quy định: Thực hiện chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán kết quả đấu giá trái quy định tại Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 với số tiền 7.571.500.000 đồng (phần chuyển nợ thành vốn góp không có trong phương án cổ phần hóa của Công ty đầu tư xây dựng số 2) trong đó có 3 người là người nhà ông Sỹ - giám đốc, điển hình trường hợp góp vốn khống như: Ông Lê Đình Hưng, Số 4 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội, danh sách góp vốn 2 tỷ nhưng thực tế góp có 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Quang - 56 Thuốc Bắc - HN - danh sách góp vốn 1,8 tỷ đồng, nhưng thực tế không có khế ước vay nợ.
Công an TP Hà Nội khẳng định: Vì việc chuyển nợ thành vốn góp không đúng nên đã có 21 nhà đầu tư không đủ tư cách tham gia đại hội cổ đông.
Đặc biệt, Công an TP Hà Nội đã kết luận vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 như sau: Doanh nghiệp liên tục lỗ cụ thể năm 2004 lỗ 1,9 tỷ, năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty.
“Đối với những sai phạm trong tổ chức cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2, trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty. Một số người nhà thân quen của Giám đốc Công ty mua gom cổ phiếu ưu đãi và góp vốn khống gây bức xúc dư luận với các nhà đầu tư.
Việc chi trả lãi suất tiền vay cho cán bộ nhân viên và người nhà ông Sỹ không thực hiện đúng quy định, trong đó có cá nhân ông Sỹ. Danh sách bước đầu cho thấy với 8 người cho Công ty vay vốn đã trả lãi suất không đúng gây thiệt hại 110 triệu đồng. Trong đó cá nhân ông Sỹ được hưởng 49 triệu đồng”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế