Bài 56:

Vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO: Còn lý do bí ẩn gì để trì hoãn?

(Dân trí) - Gần 15 năm đi “kêu cầu” khắp các cơ quan Trung ương và TP Hà Nội khi bỏ hàng chục tỷ đồng tham gia cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) nhưng tiền đã mất mà cổ phần hóa chưa thấy đâu, các nhà đầu tư đã “cạn nước mắt”. Câu hỏi nhức nhối tâm can là: Còn lý do bí ẩn gì để trì hoãn cổ phần hóa Công ty HACINCO?

Trở lại với vụ việc cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), như báo điện tử Dân trí có loạt bài điều tra, thông tin trong suốt hơn 50 kỳ báo, HACINCO được tiến hành cổ phần hóa từ năm 2004 theo Quyết định số 7252/QĐ-UB ngày 29/10/2004 của UBND TP Hà Nội, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đã hơn một thập kỷ trôi qua, quá trình cổ phần hóa HACINCO vẫn chưa thể hoàn tất. Vậy lý do nào khiến quá trình cổ phần hóa HACINCO liên tục trễ hẹn? Cổ phần hóa HACINCO có còn lý do để tiếp tục trễ hẹn?

Cổ phần hóa công ty HACINCO, không còn lý do để trễ hẹn

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ các khía cạnh pháp lý.

Luật sư Lam Hồng nhận định: Quá trình cổ phần hóa HACINCO đã kéo dài quá thời hạn được pháp luật quy định hơn mười năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại doanh nghiệp. Trên thực tế, các sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa đã được chỉ rõ, vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ, giá trị cổ phần hợp pháp của từng đối tượng nắm giữ tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa cũng đã được xác định rõ, do vậy, tôi cho rằng quá trình cổ phần hóa HACINCO không còn lý do để trễ hẹn.

Vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO: Còn lý do bí ẩn gì để trì hoãn? - 1
Vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO: Còn lý do bí ẩn gì để trì hoãn? - 2

Công văn kiến nghị nhiều nội dung trong vụ cổ phần hóa Công ty Hacinco được Công ty cổ phần NCX Hà Nội gửi Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Công văn kiến nghị nhiều nội dung trong vụ cổ phần hóa Công ty Hacinco được Công ty cổ phần NCX Hà Nội gửi Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Thứ nhất: Giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ tại HACINCO sau khi cổ phần hóa đã được xác định rõ:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần (Nghị định 187/2004/NĐ-CP) về các hình thức cổ phần hoá công ty nhà nước và quy định tại điểm b, khoản 2, Mục I, Phần A Phụ lục Danh mục Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội thực hiện sắp xếp, đổi mới trong năm 2005 và 2006 ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg ngày 5/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới Công ty Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội, ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO (Quyết định 6680/QĐ-UB), theo đó phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa được xác định là 4.553.600.000 đồng.

Như vậy, giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ tại HACINCO sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp đã được xác định rõ là: 4.553.600.000 đồng. Số vốn và tỷ lệ vốn góp cổ phần của Nhà nước tại HACINCO sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp được xác định theo nội dung Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 của UBND TP Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với tinh thần nội dung Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg ngày 5/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.

Thứ hai: Giá trị cổ phần người lao động nắm giữ tại HACINCO sau khi cổ phần hóa cũng đã được xác định rõ:

Theo nội dung Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 5/5/2005 của UBND TP Hà Nội nêu trên thì giá trị cổ phần ưu đãi cho người lao động tại HACINCO sẽ là 5.590.000.000 đồng, tương ứng với 498 người lao động với tổng số năm công tác là 5.590 năm.


Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, có 169 cán bộ, công nhân viên HACINCO đã được mua 3.861 cổ phần ưu đãi (mệnh giá 100.000 đồng/1 cổ phần, tổng giá trị cổ phần 386.100.000 đồng, giá trị ưu đãi được hưởng: 115.830.000 đồng) tương ứng với 3.278 năm công tác vào năm 1998 khi cổ phần hóa bộ phận Khách sạn HACINCO năm 1998 (theo nội dung Công văn số 830/UBND –KT ngày 29/1/2011 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO). Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa và hướng dẫn của Bộ lao động – thương binh và xã hội tại Công văn số 2633/LĐTBXH-LĐVL ngày 3/8/2006 về việc chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động: “Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp (khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”, có thể thấy, số năm công tác được mua cổ phần ưu đãi của người lao động khi cổ phần hóa HACINCO sẽ bị giảm trừ 3.278 năm công tác tương ứng với 327.800 cổ phần.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, doanh nghiệp này còn có sai phạm trong việc chuyển nợ lương của người lao động thành cổ phần ưu đãi với số cổ phần lên tới 42.221 cổ phần (theo nội dung Công văn số 6489/UBND-CN ngày 20/11/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội).

Như vậy, sau khi giảm trừ 327.800 cổ phần ưu đãi tính trùng năm công tác của người lao đồng và 42.221 cổ phần do chuyển nợ lương sai quy định của người lao động thì số cổ phần ưu đãi của người lao động được xác định mua theo đúng quy định pháp luật là 188.979 cổ phần, tương đương với 1.889.790.000 đồng. Do đó, có thể thấy, giá trị cổ phần người lao động nắm giữ tại HACINCO sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp được xác định là: 1.889.790.000 đồng

Thứ ba: Giá trị cổ phần của các nhà đầu tư hợp pháp nắm giữ tại HACINCO sau khi cổ phần hóa cũng đã được xác định rõ:

Trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, doanh nghiệp này đã có rất nhiều sai phạm, đặc biệt là các sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp cổ phần của một số nhà đầu tư tại doanh nghiệp. Sai phạm này của HACINCO đã được rất nhiều cơ quan chuyên môn khẳng định tại các văn bản như: Báo cáo số 5494/UBND-CN của UBND thành phố Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006; Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO… và được Công an thành phố Hà Nội kết luận cụ thể tại Báo cáo số 07CV/CAHN(PC15) ngày 16/01/2007 của Công an thành phố Hà Nội báo cáo về cổ phần hóa tại HACINCO.

Vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO: Còn lý do bí ẩn gì để trì hoãn? - 5

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương tuýt còi khẩn cấp dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Thanh tra Chính phủ.

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương "tuýt còi" khẩn cấp dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Thanh tra Chính phủ.

Trên thực tế, sau khi những sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần của HACINCO được các cơ quan chuyên môn cũng như Công an thành phố Hà Nội kết luận, căn cứ vào chỉ đạo của Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội việc xác nhận danh sách cổ đông tại HACINCO, ngày 9/4/2007, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ban hành Công văn 368/TTGDCK-BĐG để thay thế nội dung Danh sách người sở hữu chứng khoán được Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành ngày 23/11/2005. Theo đó, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức xác nhận lại danh sách cổ đông mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm 24 nhà đầu tư với tổng số tiền mua cổ phần thanh toán đúng quy định là: 21.070.711.111 đồng. Các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần trái quy định pháp luật không được công nhận là cổ đông tại HACINCO. Như vậy, có thể thấy, giá trị cổ phần bán đấu giá cho các nhà đầu tư hợp pháp tại HACINCO đã được xác định là 21.070.711.111 đồng.

Do đó, để hoàn tất cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định pháp luật, căn cứ theo quy định tại điểm 6.2 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần, cần xem xét, điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO về đúng tỷ lệ vốn thực góp của các nhà đầu tư hợp pháp, cụ thể như sau:

Tổng vốn điều lệ: 27.514.101.111 đồng, trong đó:

+ Giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16,55 % vốn điều lệ;

+ Giá trị cổ phần cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.87 % vốn điều lệ;

+ Giá trị cổ phần cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.070.711.111 đồng, tương ứng 76,58 % vốn điều lệ.

Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO về đúng tỷ lệ vốn thực góp như trên, HACINCO sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sẽ chính thức thực hiện đăng ký kinh doanh, nộp con dấu của doanh nghiệp cũ, xin khắc dấu của công ty cổ phần và tiến hành các thủ tục hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINCO đã kéo dài hơn một thập kỷ (theo đúng quy định tại Phụ lục 1 về quy trình chuyển Công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, Ban hành kèm theo Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP).

Theo dõi diến biến vụ việc này có thể thấy, những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã khiến cho việc chuyển đổi doanh nghiệp thành Công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, liên tục bị chậm trễ so với tiến độ được pháp luật quy định, xâm phạm quyền – lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại HACINCO từ hơn một thập kỷ trước. Thế nhưng, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã được kết luận rõ ràng, hoàn toàn có thể giải quyết và buộc phải giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật, chủ trương cổ phần hóa của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo sát sao của các cơ quan có thẩm quyền. Có như vậy mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế của đất nước.


Nguyên giám đốc Công ty HACINCO Nguyễn Chí Sỹ bị Công an TP Hà Nội kết luận hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Nguyên giám đốc Công ty HACINCO Nguyễn Chí Sỹ bị Công an TP Hà Nội kết luận hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Công an TP Hà Nội kết luận nguyên giám đốc Công ty HACINCO cùng người thân thâu tóm cổ phần ưu đãi như thế nào?

Ngày 16/1/2007, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo số 07/CV/CAHN (PC15) do Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó giám đốc ký chỉ rõ 5 sai phạm trong quả trình cổ phần hóa tại Công ty HACINCO.

Thứ nhất, thực hiện chế độ bán cổ phần ưu đãi: Theo văn bản số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 của Bộ lao động thương binh xã hội và văn bản số 133/LĐTBXH-CSLĐVL ngày 5/5/2006 của Sở lao động thương binh xã hội Hà nội, trong thực hiện chế độ cổ phần ưu đãi Công ty đầu tư xây dựng số 2 đã thực hiện 2 lần với 498 cán bộ công nhân viên vì vậy với tổng số 3.281 năm = 328.100 cổ phần ưu đãi bán không đúng chính sách chế độ.

Ngay sau khi xác định cổ phần ưu đãi đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ chủ chốt mua gom cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên (CBCNV). Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Giám đốc Công ty 2, mua gom 92.300 cổ phần của 40 CBCNV; Ông Nguyễn Đình Chiến (anh ruột ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty) mua gom 71.810 cổ phần của 41 CBNV; Bà Nguyễn Thị Vinh - Giám đốc khách sạn thể thao (em ruột ông Sỹ) mua gom 22.000 cổ phần của 15 CBCNV.

Công an TP Hà Nội khẳng định: Việc làm trên vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.

Thứ hai, thực hiện chuyển nợ thành vốn góp sai quy định: Thực hiện chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán kết quả đấu giá trái quy định tại Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 với số tiền 7.571.500.000 đồng (phần chuyển nợ thành vốn góp không có trong phương án cổ phần hóa của Công ty đầu tư xây dựng số 2) trong đó có 3 người là người nhà ông Sỹ - giám đốc, điển hình trường hợp góp vốn khống như: Ông Lê Đình Hưng, Số 4 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội, danh sách góp vốn 2 tỷ nhưng thực tế góp có 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Quang - 56 Thuốc Bắc - HN - danh sách góp vốn 1,8 tỷ đồng, nhưng thực tế không có khế ước vay nợ.

Công an TP Hà Nội khẳng định: Vì việc chuyển nợ thành vốn góp không đúng nên đã có 21 nhà đầu tư không đủ tư cách tham gia đại hội cổ đông.

Đặc biệt, Công an TP Hà Nội đã kết luận vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 như sau: Doanh nghiệp liên tục lỗ cụ thể năm 2004 lỗ 1,9 tỷ, năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty.

“Đối với những sai phạm trong tổ chức cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2, trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty. Một số người nhà thân quen của Giám đốc Công ty mua gom cổ phiếu ưu đãi và góp vốn khống gây bức xúc dư luận với các nhà đầu tư.

Việc chi trả lãi suất tiền vay cho cán bộ nhân viên và người nhà ông Sỹ không thực hiện đúng quy định, trong đó có cá nhân ông Sỹ. Danh sách bước đầu cho thấy với 8 người cho Công ty vay vốn đã trả lãi suất không đúng gây thiệt hại 110 triệu đồng. Trong đó cá nhân ông Sỹ được hưởng 49 triệu đồng”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm