“Vẫn có thể “cách chức” nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng”
Nhiều cán bộ lão thành cho rằng, với vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là rất nghiêm trọng nên mức xử lý có thể cách chức cả về mặt Đảng và mặt Nhà nước để làm gương cho cấp dưới, và khẳng định lại thông điệp của Đảng ta là không thể có chuyện “hạ cánh” an toàn.
Trao đổi với Dân Việt sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về những vi phạm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư cho biết: “Tôi không được dự hội nghị xem họ bình luận, thẩm tra, xác minh, cân nhắc như thế nào. Còn bước đầu như vậy, tôi thấy Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc, xem xét có những kết luận về ông Vũ Huy Hoàng rất đầy đủ. Từ đó, đối chiếu với các quy định hiện hành để xử lý về mặt Đảng và tiếp đến có thể là xử lý về mặt luật pháp”.
Ông Hùng cũng cho rằng, căn cứ vào kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư thì sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng là nghiêm trọng, không chỉ vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Khi tôi còn làm việc ở Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, đã có quy định dù nghỉ hưu rồi thì vẫn có thể “cách chức” được (Về quy định xử lý kỷ luật của Đảng có 4 mức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ - NV). Ví dụ, do sai phạm khi đương chức thì phải cảnh cáo về mặt Đảng, về mặt Nhà nước thì “cách chức” nguyên Bộ trưởng, tức là không còn được hưởng các chế độ của một Bộ trưởng đã nghỉ hưu. Tùy vào mức độ có thể chỉ được hưởng chế độ lương của một chuyên viên hoặc thậm chí là cắt hẳn không còn hưởng lương và các chế độ về hưu nữa. Quy định này nhằm mục đích xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, dù nghỉ hưu rồi cũng không thể “hạ cánh” an toàn. Đó cũng chính là thông điệp mà Đảng ta trước đó đã khẳng định trong vụ xử lý kỷ luật nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền”, ông Hùng đánh giá.
Cũng theo ông Hùng, trên thế giới có nhiều người về hưu rồi vẫn còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các vị phạm từ lúc đương chức. Do đó, việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng ở mức độ cảnh cáo về mặt Đảng cũng đáng để suy nghĩ. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận, việc ông Vũ Huy Hoàng điều động con trai là Vũ Quang Hải làm thành viên của Hội đồng thành viên của Sabeco đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý về mặt pháp luật.
“Tôi cảm thấy, vụ này có cái gì đó giống với vụ án Lã Thị Kim Oanh cách đây nhiều năm. Vụ đó cũng có 2 thứ trưởng vào tù, Bộ trưởng mới về cũng phải nhận hình thức xử lý khiển trách. Nguyên Bộ trưởng, Phó Thủ tướng đã nghỉ hưu cũng phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Thế nên, xem xét với vụ việc gần tương tự của ông Vũ Huy Hoàng, tôi cho rằng mức xử lý như vậy vẫn chưa thỏa đáng”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết, việc xử lý tiếp theo, cần phải quy trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, như trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí; Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Sabeco…
Cùng chung nhận định trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV (Bộ Quốc phòng) đánh giá: “Tôi thấy nội dung kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khá đầy đủ, nghiêm túc, tìm ra khuyết điểm, điều tra đến nơi đến chốn. Nhưng khi đề xuất ra hình thức kỷ luật để đề nghị lên Ban Bí thư thì lại chưa tương xứng với những vi phạm về nguyên tắc, về quyền lợi cá nhân.. Với mức độ vi phạm nghiêm trọng vậy mà kỷ luật như vậy tôi cho là chưa nghiêm minh”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV (Bộ Quốc phòng)
Tướng Thước nhấn mạnh, theo tinh thần của Đảng, cùng một vi phạm nhưng nếu người ở chức vụ càng cao thì xử lý phải càng nghiêm để cấp dưới noi gương.
“Tôi được biết, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã hạ quyết tâm kiên quyết đẩy lùi xóa tiêu cực, tham nhũng, cơ hội... Chính ông Vũ Huy Hoàng là người đã giơ tay biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Hội nghị này, nhưng lại làm sai so với cái mình biểu quyết thông qua, sai với tinh thần nghị quyết thì tôi cho rằng đó là điều quá nghiêm trọng phải kỷ luật nghiêm khắc hơn nữa. Tôi đã nghỉ hưu, không biết trong quy định của điều lệ, hết nhiệm kỳ có còn quy định cách chức không. Theo tôi, nếu không cách chức được thì ít nhất phải xóa bỏ chức danh trong Đảng có được từ khi anh có vi phạm khi đang đương chức, tức là tước chức danh nguyên Ủy viên Trung ương Đảng”, ông Thước nhấn mạnh.
Còn về Chi bộ nơi ông Vũ Huy Hoàng đang sinh hoạt, ông Thước cho rằng cũng phải kiểm điểm một bước nữa xem ông này có đủ điều kiện để xếp loại là Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ không. Còn về mặt Nhà nước, phải khẳng định với nhau, dù đã “hạ cánh an toàn” rồi vẫn phải đưa ra xem xét.
“Tôi cảm thấy, vụ này có cái gì đó giống với vụ án Lã Thị Kim Oanh cách đây nhiều năm. Vụ đó cũng có 2 thứ trưởng vào tù, Bộ trưởng mới về cũng phải nhận hình thức xử lý khiển trách. Nguyên Bộ trưởng, Phó Thủ tướng đã nghỉ hưu cũng phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Thế nên, xem xét với vụ việc gần tương tự của ông Vũ Huy Hoàng, tôi cho rằng mức xử lý như vậy vẫn chưa thỏa đáng”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng
Theo Thanh Xuân
Dân Việt