So sánh kho vũ khí hạt nhân của 2 cường quốc Nga - Mỹ
(Dân trí) - Báo Newsweek đã đăng tải bài viết so sánh kho vũ khí hạt nhân của 2 “ông lớn” Nga và Mỹ dựa trên tài liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp ngày 22/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/2 đã công bố bản báo cáo được cho là thống kê số lượng vũ khí hạt nhân và phương tiện phóng (như bệ phóng, máy bay ném bom chiến lược) đang nằm trong kho vũ khí của Mỹ và Nga. Văn bản này nằm trong Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký năm 2010.
Cả hai quốc gia đều khẳng định đã tuân thủ đúng theo quy định trong hiệp ước. Cụ thể, trước ngày 5/2 mỗi nước đã buộc phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 đơn vị, cũng như giảm số lượng máy bay ném bom và tên lửa hạt nhân được triển khai xuống còn 700 đơn vị. Thêm vào đó, cả Nga và Mỹ phải giảm số lượng các bệ phóng tên lửa được triển khai và không được triển khai xuống còn 800 đơn vị mỗi nước.
Theo số liệu mà Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, hiện Mỹ đang triển khai 652 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, và các máy bay ném bom hạng nặng, trong khi thông số của Nga là 527.
Nga sở hữu 1.444 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa trên máy bay ném bom hạng nặng, trong khi Mỹ sở hữu tương đương 1.350 đơn vị. Cuối cùng, Mỹ công bố họ sở hữu 800 thiết bị phóng tên lửa hạt nhân đã được triển khai và chưa được triển khai, trong khi Nga có 779 đơn vị.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/2 đã công bố chiến lược mới về hạt nhân với nội dung kêu gọi tăng cường năng lực hạt nhân nhằm đối phó Nga.
Trong khi đó, Nga trong một vài năm qua cũng được cho là đã không ngừng cải tiến kho vũ khí hạt nhân trên biển, trên không và mặt đất. Trong bài phát biểu tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết tính tới thời điểm năm 2021 khi New START hết hạn, Nga sẽ nâng cấp 90% kho vũ khí hạt nhân của nước này.
New Start là hiệp ước thay thế cho START I được Mỹ và Liên Xô kí trước khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Đức Hoàng
Theo Newsweek