Đến mùa được lộc trời cho, người dân tháo cống cho rươi ùa vào

(Dân trí) - Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch rươi Tứ Kỳ (Hải Dương), thứ đặc sản nức tiếng gần xa này cũng đã đem lại cho bà con nơi đây một cuộc sống ấm no và đỡ vất vả hơn rất nhiều so với việc một nắng hai sương ngoài đồng.

Đến mùa được lộc trời cho, người dân tháo cống cho rươi ùa vào

Đến thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương), địa chỉ này được nhiều người mách nước là có rươi ngon nhất nhì huyện. Năm nay lại được mùa, nhà nào ít chỉ có vài sào ruộng cũng cho thu hoạch cả tạ rươi.

Tuy nhiên, không phải cứ nhà nào nhiều ruộng thì thu hoạch được nhiều rươi, bởi theo người dân ở đây, rươi vốn sống dưới đất trong môi trường tự nhiên nên chẳng thể nào nuôi hay chăm sóc được. Nhiều kỹ sư, nhà khoa học cũng đã về nghiên cứu nhưng không có cách nào để giúp bà con nuôi hoặc lai tạo giống rươi này được.

Rươi thu hoạch về được đựng trong các thùng xốp
Rươi thu hoạch về được đựng trong các thùng xốp

Vì thế, bà con cứ mặc rươi tự sinh sản và phát triển, có chăng họ chỉ làm cỏ và cố gắng giữ môi trường thật trong sạch để rươi sống.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê này, chị Phạm Thị Là chia sẻ: “Lớn lên ở đây từ tấm bé đã được thưởng thức món rươi này, cũng chỉ biết ăn nó ngon và nhiều đạm chứ cũng không hề biết nó có bổ sung thêm dinh dưỡng gì. Tuy nhiên, nhờ nó mà người nông dân trên mảnh đất này cũng đỡ vất vả nhiều.”

“Chúng tôi không còn phải một nắng hai sương mà không đủ ăn. Không những thế, nhiều nhà nhạy bén, họ còn gom hàng chục mẫu ruộng để kinh doanh. Nhà nhiều nhất có khoảng 30 mẫu ruộng, năm ngoái vào mùa họ thu hoạch hàng tấn rươi cho thu lãi tiền tỷ”, chị Là cho biết thêm.

Rươi sống vừa thu hoạch
Rươi sống vừa thu hoạch

Cũng theo chị Là: “Bình thường vào khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 9 hàng năm vốn dĩ là mùa gặt, nhưng ở đây, mọi người không cày cấy vào khoảng thời gian ấy mà chỉ cầy, bừa đất rồi làm sạch cỏ để chờ thu hoạch rươi.”

“Mùa rươi thường bắt đầu từ tháng 8 cho đến tháng 12 hàng năm, trong mỗi tháng này sẽ có 2 con nước, 1 con nước không có rươi và 1 con nước rươi sẽ về. Và rươi cũng chỉ lên 1 lần/tháng, trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, nó không lên chính xác ngày nào mà phải canh”, chị Là nói.

Còn về công đoạn chuẩn bị chờ ngày rươi lên, chị Là kể: “Ngoài một số biện pháp trên, để có thể thu hoạch được rươi, bà con còn phải đắp ruộng cho cao lên và xây cống để rươi vào. Giữ cho môi trường trong sạch và liên tục phải đi soi xem rươi đã lên chưa bất kể ngày hay đêm. Đó là điểm khó nhất.”

Đến mùa được lộc trời cho, người dân tháo cống cho rươi ùa vào - 3

“Còn làm rươi này không vất vả, không mất nhiều sức như làm nông. Chỉ cần 2 – 3 người đi đắp bờ, tháo nước, làm cỏ sạch sẽ và khi rươi lên thì mở cống, mở săm, chờ rươi đầy thì đổ vào thùng là được”, chị Là chia sẻ.

Khi con nước mang rươi lên, chị Là cho biết: “Săm (lưới bắt rươi) cứ mắc sẵn ở cửa cống trong ruộng. Lúc thủy triều lên thì rươi theo đó mà ùa vào, người dân chỉ việc mở cống ra để hứng. Không cần vớt, chỉ cần quây lại, khi nào đầy săm thì đóng lại và đổ vào thùng.”

“Chỉ vài sào ruộng nhưng năm nay, nhà tôi cũng thu được khoảng 1 tạ rươi từ tháng 8 tới giờ. Quanh đây có 4 – 5 nhà thu hoạch hàng tấn rươi vì họ gom tới 20 – 30 mẫu ruộng liền để thu hoạch. Nhưng nó cũng có rủi ro, bởi có ruộng rươi lên, có ruộng lại chẳng có con nào”, chị Là cho biết thêm.

Bà con đang khẩn trương thu hoạch khi rươi lên
Bà con đang khẩn trương thu hoạch khi rươi lên

Lộc trời cho, lại không mất quá nhiều công sức nên tất bà con ở đây đều đầu tư xây dựng hệ thống bờ, cống kiên cố để thu hoạch. Trung bình mỗi sào bắc bộ (360m2) bà con đã đắp bờ, xây cống đầy đủ, mua về đến mùa rươi chỉ việc thu hoạch có giá khoảng 60 triệu đồng.

Nhưng bây giờ hầu như không ai bán ruộng, có chăng nhà nào ngày xưa mua nhiều quá, bây giờ họ bán bớt thì có ruộng để mua. Bởi, con rươi đang đem lại giá trị kinh tế rất cao, không phải đầu tư quá nhiều chi phí đầu vào, không phải mua con giống, thức ăn, cũng không mất công chăm, mà thu hoạch lại đơn giản, giá thì gấp thịt lợn tới cả chục lần.

Năm ngoái rươi lên ít, giá rươi đầu mùa lên tới 600.000 đồng/kg tại ruộng, vào giữa mùa thì giảm còn 450.000 – 480.000 đồng/kg, tùy rươi to nhỏ. Năm nay, rươi được mùa thì giá giảm còn 500.000 đồng/kg đầu mùa, giữa mùa còn khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg, tùy loại.

Đóng thùng vận chuyển đến nơi tiêu thụ
Đóng thùng vận chuyển đến nơi tiêu thụ

Như vậy, vài sào ruộng nhà chị Là thu được 1 tạ rươi, tính ra cũng được khoảng 50 triệu đồng. Nhà nào có vài mẫu ruộng thôi cũng đã cho thu nhập vài trăm triệu đồng mà không tốn quá nhiều công sức.

Cả nhà đều rất thích ăn rươi nên chị Trương Thị Cẩm Nhung ở Hoàng Văn Thái (Hà Nội) cứ đến mùa là lại mua về cho chồng tẩm bổ, chị Nhung cho biết: “Ăn rươi nhiều đạm, lại bổ khỏe nhiều thứ nên mình hay mua về cho chồng ăn. Rươi chế biến ngon nhất là chả rươi, chỉ cần cho thêm trứng, thịt 3 chỉ, lá lốt, lá gừng, vỏ quýt và thêm chút dừa già thái như hạt gạo thì tuyệt đỉnh.”

“Thi thoảng mình làm lẩu rươi để chồng mời bạn về nhà ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Tuy nhiên, giá rươi thì không hề rẻ, rươi đầu mùa mình mua qua một người bạn giá cũng đã 640.000/kg. Món đặc sản này nổi tiếng ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nhưng phải ăn chính vụ này mới tươi, ngon. Để qua mùa thường là hàng đông lạnh, ăn không được ngon và bổ bằng, nên có đắt tôi cũng cố mua về cho chồng ăn”, chị Nhung cho biết thêm.

Thế Hưng

Đến mùa được lộc trời cho, người dân tháo cống cho rươi ùa vào - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm