1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thanh Hóa:

Dâng bánh dày “khổng lồ” lên Đền Hùng: Chờ ý kiến Chủ tịch tỉnh

(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất làm chiếc bánh dày kỷ lục Sầm Sơn để dâng lên Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, sẽ báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

>> Bánh dày hơn 3 tấn dành dâng giỗ tổ Hùng Vương

Theo ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, đơn vị này đã tiếp nhận được công văn về đề xuất của UBND thành phố Sầm Sơn về việc địa phương này xin dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10/3 năm nay.

Sau khi UBND thành phố Sầm Sơn có đề nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề trên, đã có nhiều ý kiến, trong đó phần lớn thể hiện quan điểm phản đối trước việc UBND thành phố Sầm Sơn xin dâng bánh dày kỷ lục hơn 3 tấn lên đền Hùng, dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018.

Năm 2017, thành phố Sầm Sơn đã thực hiện làm chiếc bánh dày khổng lồ nặng hơn 2 tấn
Năm 2017, thành phố Sầm Sơn đã thực hiện làm chiếc bánh dày "khổng lồ" nặng hơn 2 tấn

Về phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đã nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề nêu trên. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đơn vị đang nghiên cứu và chưa có tham mưu gửi UBND tỉnh.

"Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và xem xét để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện vẫn đang nghiên cứu xem xét nhiều chiều. Đây chỉ mới là ý tưởng của thành phố Sầm Sơn, còn có thực hiện hay không phải chờ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh", ông Phương cho biết.

Việc thành phố Sầm Sơn đề xuất ý tưởng làm chiếc bánh dày kỷ lục mang tên địa phương này để bày tỏ lòng thành đến các vua Hùng là một việc làm tốt, thể hiện lòng biết ơn và hướng về cội nguồn dân tộc.

Tuy nhiên, trước ý kiến của dư luận, theo quan điểm của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần phải nghiên cứu thận trọng, nhiều chiều và sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như trả lời trước dư luận.

Được biết, theo đề xuất của thành phố Sầm Sơn, nguồn kinh phí làm chiếc bánh dày sẽ được huy động xã hội hóa. "Dù xã hội hóa hay tiền ngân sách cũng phải làm sao cho hợp lý, không phản cảm. Phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Phương cho biết.

Như Dân trí đã thông tin, vào đầu tháng 2/2018, UBND thành phố Sầm Sơn đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa về việc dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn lên đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh sẽ có trọng lượng hơn 3 tấn được làm tại thành phố Sầm Sơn và tổ chức rước bánh dâng lên đền Hùng vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018.

Năm 2017, thành phố Sầm Sơn cũng đã tiến hành làm bánh dày “khổng lồ” dâng tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước. Sau khi hoàn thành, để đưa được chiếc bánh về dâng cúng tại đền Độc Cước, ban tổ chức đã phải huy động xe cẩu cùng ô tô tham gia vận chuyển.

Chiếc bánh dày khổng lồ năm 2017 phải dùng cần cẩu và xe tải để vận chuyển
Chiếc bánh dày "khổng lồ" năm 2017 phải dùng cần cẩu và xe tải để vận chuyển

Theo dự kiến của UBND thành phố Sầm Sơn thì nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, sản phẩm của địa phương. Chiếc bánh dày sẽ được làm tại thành phố Sầm Sơn và tổ chức rước bánh từ thành phố Sầm Sơn dâng lên đền Hùng vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018.

Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND thành phố Sầm Sơn. Đồng thời, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc, tham mưu, đề xuất ý kiến, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 8/3/2018.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm