1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc "đảo chính" lạ đời nhất thế giới ở Zimbabwe

(Dân trí) - Mặc dù quản thúc tổng thống, chiếm quyền kiểm soát thủ đô, nhưng quân đội Zimbabwe vẫn một mực khẳng định không phải đảo chính, nội các nhóm họp bình thường và tổng thống vẫn dự sự kiện như không có vấn đề gì xảy ra.

Trong một tuần kể từ khi quân đội Zimbabwe giành quyền kiểm soát thủ đô, quản thúc Tổng thống Robert Mugabe, bất ổn ở quốc gia châu Phi này vẫn chưa đến hồi kết.

Cũng ngay từ đầu, cuộc chính biến ở Zimbabwe đã cho thấy những diễn biến không hề giống với bất cứ cuộc đảo chính nào khác trên thế giới: Quân đội không tuyên bố lật đổ chính quyền, không có bất cứ lệnh giới nghiêm nào, không bùng phát bạo lực.

Dưới đây là những đặc điểm khiến cuộc chính biến ở Zimbabwe có thể được coi là “lạ đời” nhất thế giới.

"Không phải đảo chính"


Quân đội Zimbabwe khẳng định không đảo chính. (Ảnh: Global News)

Quân đội Zimbabwe khẳng định không đảo chính. (Ảnh: Global News)

Rạng sáng 15/11, xe tăng tràn vào thủ đô Harare, binh sĩ xuất hiện ở các vị trí quan trọng và quân đội chiếm đài truyền hình quốc gia và giành quyền kiểm soát thủ đô trong khi Tổng thống Mugabe “bặt vô âm tín”. Đó có thể coi là những tín hiệu đầu tiên của một cuộc đảo chính.

Tuy vậy, phát biểu trên truyền hình sau đó, quan chức quân đội Zimbabwe S.B. Moyo khẳng định đây không phải một cuộc đảo chính. “Chúng tôi muốn nói rõ với người dân và toàn thế giới rằng, đây không phải một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường”, quan chức này cho biết.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ quân đội Zimbabwe không thừa nhận đảo chính vì sợ rằng Liên minh châu Phi và các tổ chức khu vực khác sẽ can thiệp.

Cuộc họp bất thường


Tổng thống Mugabe tươi cười bắt tay tướng quân đội giữa tin đồn đảo chính. (Ảnh: Zimbabwe Mail)

Tổng thống Mugabe tươi cười bắt tay tướng quân đội giữa tin đồn đảo chính. (Ảnh: Zimbabwe Mail)

Một ngày sau khi quân đội giành kiểm soát thủ đô và quản thúc Tổng thống, ông Mugabe xuất hiện trong một cuộc họp tại dinh tổng thống ở Harare với sự có mặt của Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga, linh mục Fidelis Mukonori và hai đặc phái viên Nam Phi.

Tuy nhiên thay vì hình ảnh một tổng thống bị quản thúc, bị còng tay, ông Mugabe được nhìn thấy vẫn tươi cười bắt tay với tướng lĩnh quân đội.

Tổng thống vẫn dự sự kiện


Tổng thống Mugabe dự một lễ tốt nghiệp tại thủ đô Harare trong thời gian bị quản thúc. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mugabe dự một lễ tốt nghiệp tại thủ đô Harare trong thời gian bị quản thúc. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù bị quân đội quản thúc, nhưng Tổng thống Mugabe vẫn tham dự lễ tốt nghiệp tại một đại học ở thủ đô và có bài phát biểu tại đây như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Việc cho phép Tổng thống xuất hiện bình thường trước công chúng có thể là cách để quân đội chứng minh không có bất cứ cuộc đảo chính nào.

Không tiếng súng


Xe tăng xuất hiện nhiều ở thủ đô Harare nhưng ở đây vẫn khá bình lặng. (Ảnh: EPA)

Xe tăng xuất hiện nhiều ở thủ đô Harare nhưng ở đây vẫn khá bình lặng. (Ảnh: EPA)

Thông thường, khi một cuộc đảo chính nổ ra, lệnh giới nghiêm sẽ được ban bố, thậm chí có thể kéo theo các hành động đàn áp biểu tình.

Tuy nhiên, ở Zimbabwe, mặc dù binh sĩ xuất hiện nhiều hơn ở những vị trí quan trọng trong thủ đô, song tình hình ở đây vẫn khá bình lặng và gần như không có tiếng súng đạn.

Lãnh đạo quân đội thậm chí cho phép các cuộc tuần hành quy mô lớn vài ngày sau đó. Bạo động chỉ nổ ra khi Tổng thống Mugabe kiên quyết không từ chức.

“Mừng hụt”


Một người dân Zimbabwe bức xúc sau bài phát biểu của Tổng thống Mugabe. (Ảnh: AFP)

Một người dân Zimbabwe bức xúc sau bài phát biểu của Tổng thống Mugabe. (Ảnh: AFP)

Bốn ngày kể từ khi giành kiểm soát thủ đô, quản thúc Tổng thống, quân đội vẫn chưa thể buộc Tổng thống Mugabe từ chức.

Đảng cầm quyền tối 19/11 tuyên bố bãi nhiệm ông Mugabe với vai trò lãnh đạo đảng này. Quân đội cũng cho biết ông Mugabe đã đồng ý từ chức.

Tổng thống Mugabe sau đó đã có bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia. Nhiều người cho rằng đây có thể là bài phát biểu cuối cùng của ông trên cương vị tổng thống sau 37 năm cầm quyền.

Tuy nhiên, trong suốt bài phát biểu hơn 20 phút, ông Mugabe không hề đả động đến việc từ chức và còn khẳng định sẽ điều hành cuộc họp sắp tới của đảng cầm quyền.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm