1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ quay cuồng vì sốt xuất huyết tăng nhanh, diễn biến nặng bất thường

(Dân trí) - Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi ngày có hơn 200 ca đến khám vì sốt xuất huyết (SXH), với khoảng 3 – 5 ca có dấu hiệu đe dọa phải chuyển xuống cấp cứu. Bác sĩ khuyến cáo khi sốt cao cần tới viện khám ngay bởi bệnh diễn biến nhanh, có trường hợp sốt ngày thứ 3 vào viện, vẫn đang tươi tỉnh nhưng chỉ sau 3 tiếng tử vong vì xuất huyết não.

Lo ngại biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, dịch SXH đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam. Cả nước ghi nhận trên 50 nghìn trường hợp, 15 tường hợp tử vong vì SXH. Tuy nhiên số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều. Sau mưa, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh SXH đẻ trứng, bọ gậy nở ra càng nhiều. Như tại Hà Nội trong tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca SXH.

Bệnh nhân biến chứng SXH viêm cơ tim đã trải qua 10 ngày điều trị vẫn ở tình trạng nặng, được điều trị tại Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân biến chứng SXH viêm cơ tim đã trải qua 10 ngày điều trị vẫn ở tình trạng nặng, được điều trị tại Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Ảnh: H.Hải

Tại BV 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân SXH tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân khám mỗi ngày, tỉ lệ nhập viện 10 – 20%. So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân SXH tăng 4 lần và nhiều ca diễn biến nặng.

BV đã phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH. Những người bỗng nhiên sốt cao đột ngột đều được khám tại 3 phòng này để không phải chờ đợi. Ngoài ra, BV dành trọn tầng 5 là khoa vi rút cho bệnh nhân SXH mà vẫn không đủ giường, phải lấy 1 nửa số giường khoa Viêm gan, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp dành cho bệnh nhân SXH nhưng vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục.

Theo đó những bệnh nhân ổn định qua giai đoạn nguy hiểm sẽ được chuyển xuống tuyến dưới; bệnh nhân phải nhập viện sẽ được chuyển sang cơ sở 2 BV Nhiệt đới tại Kim Chung (Đông Anh). Mỗi ngày 3 xe cấp cứu của BV vận chuyển hết công suất để luân chuyển bệnh nhân 30 – 40 bệnh nhân mỗi ngày. Bác sĩ, nhân viên y tế quay cuồng vì quá tải bệnh nhân.

“Năm nay tử vong SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này”, PGS Kính nói.

Bác sĩ quay cuồng vì sốt xuất huyết tăng nhanh, diễn biến nặng bất thường - 2

PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, các ca tử vong liên quan đến chảy máu do SXH, đặc biệt là chảy máu não, chảy máu nội tạng là rất đáng lo ngại. Ảnh: H.Hải

Ca tử vong thứ 15 vì SXH trên cả nước là ca xuất huyết não tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là bệnh nhân nam giới, 51 tuổi ở phường Vạn Phúc, Cống Vị, Ba Đình.

Trước đó tại một bệnh viện bệnh nhân được chẩn đoán SXH, chụp CT não phát hiện xuất huyết não được chuyển sang BV Nhiệt đới sáng sớm ngày 12/7. Đến rạng sáng ngày 14/7 bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát.

“Chẩn đoán được tình trạng của bệnh nhân là xuất huyết não nhưng không thể can thiệp được, mời bác sĩ ngoại cũng bó tay vì rối loạn chảy máu không thể cầm. Thực sự là thấy bệnh nhân chết mà không có cách nào để cứu”, PGS Kính cho biết.

Tại khoa Cấp cứu, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết mỗi ngày có 4 – 5 ca SXH có dấu hiệu đe dọa sốc, chảy máu được chuyển xuống cấp cứu, khi thoát nguy hiểm lại chuyển về các khoa.

Ở khoa hiện còn 2 bệnh nhân nặng biến chứng SXH. Đó là bệnh nhân nữ 43 tuổi bị viêm cơ tim, vừa thoát thở máy sau hơn 10 ngày điều trị tích cực. Một bệnh nhân hạ tiểu cầu nặng, đi tiểu ra máu, bội nhiễm vi khuẩn.

Theo PGS Kính qua thực tế điều trị bác sĩ nhận thấy có nhiều trường hợp nặng hơn bất thường và đang tổ chức nghiên cứu nhưng chưa tìm thấy yếu tố gì đột biến, dù bệnh nhân biểu hiện rất nặng.

Sốt cao đột ngột phải vào viện ngay

PGS Kính khuyến cáo, ở thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39 – 40 độ, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay để được test SXH. "Không phải SXH, lúc ấy mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt vi rút, sốt viêm họng...", PGS Kính nói.

Việc phát hiện SXH sớm có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa không cầm được cực kỳ nguy hiểm.

Người bệnh cũng cần lưu ý theo dõi chặt ngày thứ 3 sốt, hầu hết mọi biến chứng đều xảy ra ở ngày này.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

PGS Kính khuyến cáo, bệnh nhân SXH có đau vùng gan, sốt cao vật vã là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhất là với những người đã từng bị SXH khi bị lại sẽ nặng hơn. Bản chất của SXH là vi rút gây rối loạn tiểu cầu, rối loạn chức năng gan, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm. Vì thế, việc theo dõi chặt để kịp thời nhập viện điều trị là rất quan trọng, phòng nguy cơ sốc, trụy mạch, xuất huyết.

Bệnh nhân Nguyễn Đình Thăng cho biết, ở khu trọ của anh có 7 người thì 5 người bị SXH, 2 người thoát vì về quê. Thăng ở ngày điều trị thứ 7 giờ mới hết sốt, ổn định hơn. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân Nguyễn Đình Thăng cho biết, ở khu trọ của anh có 7 người thì 5 người bị SXH, 2 người "thoát" vì về quê. Thăng ở ngày điều trị thứ 7 giờ mới hết sốt, ổn định hơn. Ảnh: H.Hải

PGS Kính lưu ý thêm, việc diệt muỗi, ngăn muỗi đốt, phun thuốc mũi… chỉ diệt được phần ngọn. Muốn tiêu diệt SXH phải tiêu diệt loăng quăng, tức là không còn những nơi tồn đọng nước sạch (nước mưa, nước máy tồn đọng) để muỗi đẻ trứng.

Cộng đồng cùng phải thực hiện vấn đề này, bằng sự tự giác từ chính bản thân, gia đình. Mỗi ngày hãy thay nước lọ hoa một lần; không vứt bỏ hộp lon nước ngọt, sữa chua… ra vườn khiến nước đọng muỗi đẻ trứng; lật úp các vật dụng có nguy cơ đọng nước... Chỉ khi tiêu diệt, không còn loăng quăng mới không còn bệnh SXH.

Tại BV Nhiệt đới Trung ương, việc khám quan trọng nhất là phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, kiểm soát nguy hiểm khi ổn định sẽ chuyển về tuyến dưới. PGS Kính cho biết thêm, cơ sở 2 của BV Nhiệt đới tại Đông Anh luôn có bác sĩ chuyên khoa giỏi trực 24/24, nếu người dân gần khu vực này nên đến thẳng đây khám.

"Bệnh nhân có đến BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 ở Phương Mai khám, sau khi nhập viện trong vòng 24 giờ bệnh viện cũng thực hiện chuyển BN sang cơ sở 2 vì quá tải. Nếu bệnh nhân chủ động đi khám tại cơ sở 2 sẽ giảm tải rất lớn cho bệnh viện", PGS Kính nói.

Hiện tại Hà Nội sắp xếp 2 tuyến xe bus rất thuận lợi điểm đầu, cuối là BV Nhiệt đới cơ sở Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội. Cụ thể, tuyến bus 60B (từ bến xe Nước ngầm) và bus 25 (từ bến xe Giáp Bát) với lộ trình qua nhiều tuyến phố. Người dân có thể đi 2 tuyến bus này sang thẳng BV khám.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm