1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Làm giả hồ sơ vay, giám đốc ngân hàng "lận" 2.700 lượng vàng làm của riêng

(Dân trí) - Bà Oanh làm giả hồ sơ để vay hàng ngàn lượng vàng của chính ngân hàng mà mình làm giám đốc, sau đó dùng số vàng này đi mua nhà cho con gái rồi cho chính ngân hàng đó thuê làm trụ sở để thu lợi...

Vay tiền mua nhà cho ngân hàng nhưng để… con gái đứng tên

Ngày 20/3, TAND TPHCM tiếp tục xét xử bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành, Quận 1) cùng 11 đồng phạm về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ.

Bị truy tố về tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, đối diện với hai bản án tử hình nhưng bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh khá bình tĩnh khi đứng trước vành móng ngựa.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Theo nội dung vụ án, từ năm 2008 đến 2012, bà Oanh đã sử dụng tên của nhiều người thân, làm giả hồ sơ vay chi nhánh ngân hàng mình đang làm giám đốc hơn 26.600 chỉ vàng SJC. Số tiền này bà Oanh dùng để mua căn nhà trên đường Trần Quang Khải (Quận 1) rồi cho chính ngân hàng của mình thuê với giá 5.800 USD/tháng để mở phòng giao dịch.

Đến hạn trả các khoản vay, bà Oanh chỉ đạo cấp dưới lấy pháp nhân công ty của con rể và nhiều công ty khác làm hồ sơ vay số vàng lớn hơn để đảo nợ và tiêu xài. Quá trình làm hồ sơ cho công ty của con rể vay vàng, bị cáo chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, có tài sản nâng lên gấp 177 lần, cụ thể là lô đất tại Nhơn Trạnh (Đồng Nai) từ hơn 300 triệu đồng lên 53 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi trả lời trước tòa, bị cáo cho là mình làm tất cả là vì… ngân hàng. Oanh khai: “Lúc đó ngân hàng cần hoàn thành chỉ tiêu cho vay, bị cáo nói với cán bộ tín dụng nên giới thiệu cho người quen, người thân vay tiền ở ngân hàng”.

Cáo trạng xác định, toàn bộ số tiền và vàng vay được từ Agribank, Oanh dùng để sử dụng cho mục đích cá nhân và mua nhà. Sau đó, Oanh dùng chính căn nhà này cho ngân hàng thuê làm trụ sở để thu lợi 5,6 tỉ đồng tiền thuê nhà.

Nhưng Oanh cho rằng: “Khi đó, trụ sở cũ không thuận tiện cho việc kinh doanh nên bị cáo đã xin Tổng giám đốc Agribank cho chi nhánh Bến Thành được mua trụ sở mới. Hội sở mới chỉ đồng ý bằng miệng chứ chưa đồng ý bằng văn bản. Vì vậy, bị cáo mua nhà cho ngân hàng nhưng… để con gái đứng tên rồi cho ngân hàng thuê lại”.

Hội đồng xét xử chất vấn "Agribank Bến Thành rõ ràng mất cả tiền cho bị cáo vay, lại mất cả tiền thuê nhà?". Bị cáo giải thích: “Việc này trên hình thức là làm cho cá nhân bị cáo nhưng thực chất là vì ngân hàng. Bị cáo không chiếm đoạt 5,6 tỉ đồng tiền thuê nhà của ngân hàng mà dùng tiền này để trả lãi và gốc của các khoản vay trước đó”.

Chỉ lấy phần chênh lệch do khách hàng… không lấy?

Oanh còn bị cáo buộc tội tham ô, tạo mọi điều kiện cho Lê Văn Tính (55 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thuận) vay vàng để hưởng chênh lệch 2 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, năm 2009, Oanh được Tính đề nghị xin vay vốn. Biết người này không đủ điều kiện vay tiền nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ cho vay hơn 4.300 cây vàng.

Khi giải ngân, bị cáo giao tiền cho vị giám đốc này với giá thấp hơn thực tế mỗi lượng 2 triệu đồng. Số chênh lệch dư ra, nữ giám đốc Agribank Bến Thành lập sổ tiết kiệm đứng tên con gái.

Tuy nhiên, Oanh phủ nhận và cũng cho rằng bản thân làm những điều này là vì ngân hàng. Oanh cho rằng khi cho Tính vay vàng thì Agribank Bến Thành luôn tồn dư rất nhiều vàng trong kho nên việc cho vay vàng là… có lợi.

Còn về việc dễ dãi trong xét hồ sơ vay, bị cáo biện minh là vì: “Bị cáo Tính là người nhà của sếp ở Ngân hàng Nhà nước nên bị cáo quá chủ quan, quá tin tưởng mà cho vay!”.

Về việc nhận chênh lệch, bị cáo cho là vì ông Tính… không lấy nên bà mới giữ. Bà Oanh nói: “Lúc vay thì giá vàng 19 triệu đồng/lượng. Lúc chuyển tiền cho Tính thì giá vàng tăng vọt, Tính không yêu cầu lấy tiền chênh lệch mà chỉ lấy đủ 19 triệu đồng/lượng SJC”.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bị cáo Hoàng Anh là thủ phạm chính, chủ mưu toàn bộ sự việc làm Agribank thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Bị cáo không chỉ lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả hồ sơ cho chính mình vay tiền vàng, tham ô để cho khách hàng vay sai quy định mà còn trù dập người chống đối.

Cụ thể, VKSND Tối cao xác định trong quá trình làm giả hồ sơ, cho vay sai quy định, hành vi của bà Oanh đã bị 1 Phó trưởng phòng kiểm soát nội bộ của Agribank Bến Thành phát hiện. Cán bộ này đã gửi nhiều văn bản nhắc nhở và yêu cầu làm đúng quy định cho bà Oanh và từng cán bộ liên quan để chấn chỉnh.

Tuy nhiên, do bà Oanh thao túng chi nhánh này nên các yêu cầu của cán bộ này không được thực hiện. Thậm chí, cán bộ này sau đó còn bị bà Oanh điều chuyển sang làm nhiệm vụ thu hồi nợ, không còn quyền kiểm soát.

Ngày mai 21/3, toà sẽ tiếp tục nội dung xét hỏi.

Xuân Duy