“Đại bàng” đánh chết học viên cai nghiện theo lệnh cán bộ quản lý?
(Dân trí) - Vừa nhập phòng tại trung tâm cai nghiện, Nam đã bị các học viên cũ đánh đập đến chết. Điều đáng nói, các bị cáo cho rằng vụ việc xảy ra ngay trước mắt các cán bộ quản lý và làm theo sự chỉ đạo của những cán bộ này.
Ngày 27/7, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Thái Ngọc Dũng (sinh năm 1979 tại Bình Dương) 14 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt 5 bị cáo đồng phạm của bị cáo Dũng mức án từ 5 năm tù tới 14 năm tù.
Theo cáo trạng, ngày 4/4/2015, Nam được đưa vào cai nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Nam được 4 cán bộ quản lý khu 1 đưa vào phòng 8 của khu này.
Tại phòng này, các học viên mới vào đều chịu những “bài tập dượt” nhập phòng. Khi Nam vừa vào phòng đã bị Dũng (trưởng phòng) đánh và yêu cầu cúi đầu xuống nhưng Nam phản ứng. Do Nam không chịu nghe lời nên các đàn em của Dũng xông vào đánh Nam đến ngất xỉu, sau đó chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai không có ý định đánh chết bị hại mà chỉ làm theo yêu cầu của cán bộ trại cai nghiện. Có cán bộ đã nói dạy cho bị hại ngoan ngoãn và hiểu rằng phải đánh bị hại. Các bị cáo cũng cho biết ai mới nhập phòng cũng đều bị đánh, nếu không làm theo thì cán bộ sẽ đánh.
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng trong vụ án này hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội giết người chứ không phải là tội cố ý gây thương tích như cáo trạng nêu.
Các bị cáo đều nhận thấy trước khi nhập phòng thì sức khỏe bị hại không được tốt, vậy mà còn thay nhau đánh vào các vùng trọng yếu cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng, cổ… Với lực tác động vô cùng mạnh thì có thể gây tử vong cho bị hại bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng: các bị cáo không có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại, khi bị hại bị đánh đập thì các bị cáo có đưa bị hại đi tắm rửa, uống nước đường sau đó gọi cho cán bộ quản lý đưa bị hại đi cấp cứu. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận đề nghị của luật sư.
Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định: có dấu hiệu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên cơ quan cảnh sát điều tra đã 2 lần có quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 cán bộ quản lý của trại cai nghiện để điều tra.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Viện KSND TPHCM đã không phê chuẩn vì cho rằng các cán bộ này không chịu thừa nhận và cơ quan điều tra không chứng minh được việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ này. Do đó, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra với các cán bộ này.
Trong khuôn khổ quyền hạn xét xử của tòa chỉ xét xử những gì Viện KSND TPHCM truy tố, vì vậy, HĐXX không thể xem xét trách nhiệm của những người liên quan mà cơ quan điều tra đã đình chỉ trước đó. Do đó, tòa chỉ tuyên phạt về tội danh cố ý gây thương tích đối với bị cáo Dũng và đồng phạm.
Ngoài mức án trên, các bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại 165 triệu đồng tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần; đồng thời, cấp dưỡng cho 2 người con của bị hại cho tới khi đủ 18 tuổi.
Xuân Duy