Quảng Nam:

Biển Cửa Đại tan hoang, vẫn "hoang mang" đi tìm giải pháp

(Dân trí) - Trong khi biển vẫn không ngừng xâm thực bờ thì các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loai hoay tìm giải pháp ứng cứu. Tuy nhiên, qua nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị... giải pháp cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Ngày 25/2 tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), một doanh nghiệp kinh doanh resort đã tự đứng ra tổ chức một cuộc tọa đàm nhỏ gồm một số nhà khoa học, nhà kinh doanh và một cán bộ cấp Sở tham dự.

Các nhà khoa học đưa ra các giải pháp chống sạt lở Cửa Đại
Các nhà khoa học đưa ra các giải pháp chống sạt lở Cửa Đại

Trong phát biểu của mình, ông chủ khu resort chia sẻ: “Bây giờ dầu sôi lửa bỏng lắm rồi. Nếu không có giải pháp gì thì cả bãi biển Cửa Đại kéo dài lên phía Bắc sẽ không còn. Nhiều khu nghỉ dưỡng ở đây đã thất thu nặng và có khả năng đóng cửa do bãi biển không còn...”.

Ông đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý nhanh chóng tìm ra một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bãi biển, bảo vệ ngành du lịch Hội An cũng như bảo vệ cuộc sống của người dân ở đây.

Thời gian qua chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các Bộ, ngành hữu quan của Trung ương đã nhiều lần tổ chức các hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng tại đây.

Tuy nhiên, đến nay qua rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, không ít các giải pháp từ các nhà khoa học của Hà Lan, Nhật Bản... đưa ra trên cơ sở khảo sát thực địa tại Cửa Đại và liên hệ với kinh nghiệm xử lý sạt lở tại nhiều nơi trong nước và quốc tế nhưng hầu hết các giải pháp này nếu phù hợp với địa chất, địa tầng đất hoặc cùng lưu lượng của dòng chảy, cường độ sóng đánh… thì một thực tế khó khả thi là kinh phí quá lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Đó là chưa nói nguyên nhân cơ bản gây nên nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại bãi biển Cửa Đại hiện nay là do thiếu hụt lượng cát bùn từ đầu nguồn bù đắp hàng năm; do đó, sạt lở vẫn cứ sạt lở và ý tưởng, giải pháp vẫn mãi nằm trên bàn giấy, không có nguồn kinh phí để thực hiện.

Biển Cửa Đại tan hoang nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu
Biển Cửa Đại tan hoang nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu

Tại buổi tọa đàm này, các nhà khoa học cùng đại diện doanh nghiệp và một số cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung cũng như đưa ra các giải pháp cho vấn đề sạt lở ở bờ biển Cửa Đại hiện nay.

Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, các chuyên gia thì tình trạng xói lở bãi biển Cửa Đại bắt đầu từ năm 2004. Tình trạng xói lở tại đây trở nên nghiêm trọng kể từ mùa lũ năm 2013. Đặc biệt, trong 2 năm 2014 và 2015, xói lở đã diễn ra ở mức độ ngày một nghiêm trọng hơn, kéo dài lên phía bắc Cửa Đại đến 5km.

Trong khu vực bị xói lở nặng này, nhiều đoạn bờ biển đã bị sóng đánh gây sạt lở và biểm xâm thực sát vào đất liền, đe dọa đến các công trình của một số khu nghỉ dưỡng tại đây.

Trong vòng 11 năm qua, bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực 200 m. Từ năm 2008 đến nay, tình trạng xói lở nghiêm trọng bắt đầu diễn ra và hiện đang dịch chuyển về phía bắc bờ biển.

Theo PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung - cho biết, tình trạng xói lở diễn ra càng mạnh mẽ vào thời kỳ mùa đông, khi có gió mùa đông bắc mạnh hoặc khi trời có bão; xói lở đang “ăn” dần lên hướng Bắc ra Đà Nẵng khiến cho nhiều bãi tắm đẹp dọc theo bãi biển Cửa Đại đã biến mất.

Trước tình trạng bãi biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, nhiều ý kiến đưa ra với nhiều biện pháp cấp bách. Trong đó, không ít ý kiến đề nghị sử dụng giải pháp kè tạm 2 hàng cọc tre kết hợp mành tre, gia cố bằng bao cát, vải địa kỹ thuật để hạn chế sạt lở sâu hơn; tiến hành đổ bù cát thêm vào những điểm sạt lở để tạo mái ta luy, trải vải địa kỹ thuật và gia cố bằng bao cát loại nhỏ...

Một số ý kiến khác thì cho rằng, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cọc tre, bao cát gia cố được một số doanh nghiệp tự xây dựng trước đây để bảo vệ tài sản của mình đã bị sóng đánh sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của nhân dân, du khách trong khu vực.

Theo PGS-TS. Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật biển, Trường ĐH Thủy lợi) cho rằng, việc thiếu hụt bùn cát từ sông mang ra biển; việc mất cân bằng nguồn cát ở ven bờ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Lý do của việc mất cân bằng cát ven biển do nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc nạo vét, khai thác cát; xây dựng công trình ở dải ven biển không tuân thủ theo quy hoạch. Nguyên nhân sâu xa hơn là do tác động của các hồ chứa thượng nguồn.

PGS-TS. Trần Thanh Tùng cho hay, hiện nay có 3 phương pháp để giải quyết tình trạng xói lở bờ biển đã được áp dụng trên thế giới. Thứ nhất, xây dựng các công trình cứng để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển; thứ hai là giải pháp tăng bùn cát từ cửa sông; thứ ba là phương pháp nuôi bãi.

Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam - cho rằng, việc “cứu” bãi biển Cửa Đại cần thực hiện theo chiến lược và kế hoạch tổng thể; tránh tình trạng xói lở đến đâu thì “hàn” ở đó làm phá vỡ quy hoạch chung. Việc bảo vệ bờ biển Cửa Đại phải mang tính lâu dài chứ không làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Việc chống xói lở bãi biển Cửa Đại là một việc hệ trọng, cần tính toán thận trọng trước khi quyết định đưa ra phương pháp xử lý để mang tính bền vững.

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng cho rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ và thống nhất trên dọc tuyến bờ biển phía bắc Hội An kéo dài đến Đà Nẵng vì qua khảo sát thực tế cho thấy, diễn tiến xói lở ở khu vực bờ biển bắc Cửa Đại có tính dây chuyền, “chống” chỗ này thì “lở” tiếp điểm khác về phía Bắc.

Vậy là tình trạng sạt lở biển Cửa Đại vẫn đang tiếp diễn. Hàng ngày, biển vẫn “ăn” vào đất liền, các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng lao đao vì không còn biển, cuộc sống của hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng... Tuy nhiên, giải pháp chống sạt lở hữu hiệu, lâu dài thì vẫn mãi... đi tìm.

Công Bính