1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vốn cho giao thông: Không có cách nào ngoài BOT, PPP?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ này cần 952.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “rà đi rà lại” chỉ được 162.000 tỷ đồng, vì thế không có cách nào ngoài BOT, PPP để hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Theo mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 2.000km đường cao tốc
Theo mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 2.000km đường cao tốc

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, riêng với hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) “cái gì được thì ta tiếp tục, cái gì chưa được mà xã hội đang quan tâm thì ta phải sửa”.

Sự khó khăn về nguồn vốn cũng được Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn ra với Đề án xây dựng cao tốc Bắc - Nam dài 1.624 km, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2017.

“Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là 256.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ tham gia khoảng 40%, còn 60% phải tìm nguồn vốn khác và thu hút đầu tư vào dự án. Trong khi đó, yêu cầu đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội đến TPHCM, đi theo hướng Quốc lộ 1 và song song với Quốc lộ 1” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết 13, đến năm Việt Nam sẽ có 2.000 - 2.500 km đường cao tốc, hiện nay mới chỉ có 740 km. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, vì sự phát triển chung thì không còn cách nào khác phải đầu tư theo hình thức BOT, đối tác công - tư (PPP).

Mới đây, Bộ GTVT đã công bố website về các dự án đầu tư theo hình thức PPP và cho rằng đây là việc minh bạch để cung cấp thông tin cho xã hội và người dân biết về các dự án và tình hình thực hiện các dự án, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách khó khăn như Việt Nam hiện nay

Trước đó, tại cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2020 hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh “công trình này không thể trì hoãn”. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước.

Cùng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Châu Như Quỳnh