1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu kiểm soát chặt cho vay dự án BOT, BT giao thông

(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Cụ thể, theo yêu cầu của Thống đốc Lê Minh Hưng, các TCTD cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.

Ngoài ra, theo Thống đốc, các TCTD thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, các dự án có áp dụng thu phí theo hình thức trạm thu phí không dừng; không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Yêu cầu này của Thống đốc NHNN nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 17/6/2016 của Văn phòng Chính phủ về quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư thực hiện các dự án BOT, BT xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.


Nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý gây bức xúc cho người dân, thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển giao thông (ảnh minh họa).

Nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý gây bức xúc cho người dân, thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển giao thông (ảnh minh họa).

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sáng 7/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra hàng loạt bất cập của các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT, như: được đầu tư theo phong trào, có những nhà đầu tư năng lực hạn chế nên tính chi phí cao so với thực tế, từ đó làm tăng phí cho phương tiện đi lại, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó là nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý gây bức xúc cho người dân, thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển giao thông, chưa có danh mục đường nào đầu tư từ ngân sách, đường nào kêu gọi BOT.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, chỉ ra thực trạng nhiều trạm thu phí BOT dày đặc và đặt không đúng vị trí, như hai trạm trên quốc lộ 5 đáng ra phải giải tỏa song vẫn thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến Hà Nội - Thái Bình dài 100 km song có tới 4 trạm thu phí nên doanh nghiệp phải chịu phí đường cao hơn xăng dầu.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong 5 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải đặt lại câu hỏi tại sao có quá nhiều BOT đặt vào đường bộ mà không thấy xu hướng này đổ vào đường sắt, hàng không và cảng biển.

"Tại sao cảng biển, sân bay, đường sắt chưa có BOT, không thu hút được BOT dù luật đều có chung cả. Bộ GTVT cần đặt ra câu hỏi tại sao đặt quá lệch nguồn lực quốc gia vào một loại hình hay không? Trong khi chúng ta có lợi thế biển, lợi thế là trạm trung chuyển của Châu Á nếu chỉ tập trung vào đường bộ thì thiếu chiến lược đồng bộ", TS.Thiên nêu quan điểm.

Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Ngọc Bảo lại cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, việc thực hiện nhiều dự án BOT mới nhìn trước mắt chứ chưa có quy hoạch vùng. "Cần thay đổi cách thức về suất đầu tư, lập dự án và huy động vốn theo hướng thị trường. Phải quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, mức giá dự phòng cần phải xem xét lại", ông Bảo nhấn mạnh.

An Hạ