1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trước giờ G công bố Hồ sơ Panama: 300 nhà kinh tế hàng đầu yêu cầu xóa sổ các thiên đường thuế

(Dân trí) - 300 nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã cùng ký vào bức thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới "chấm dứt kỷ nguyên của thiên đường thuế". Không có bất kỳ sự bao biện kinh tế nào có thể cho phép các thiên đường thuế tiếp tục tồn tại khi mà các quốc gia nghèo là những quốc gia bị thất thoát nguồn thu thuế nhiều nhất với khoảng 170 tỷ USD hàng năm.

Các nước nghèo thất thoát 170 tỷ USD tiền thuế mỗi năm

Hôm nay (9/5/2016), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) sẽ công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được vào 18h00 GMT tại địa chỉ https://offshoreleaks.icij.org.

Cùng ngày, bức thư của hơn 300 nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới, thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu có danh tiếng trong đó có Thomas Piketty, Jeff Sachs, Nora Lustig và Angus Deaton tới lãnh đạo các quốc gia toàn cầu kêu gọi sự minh bạch hơn về thuế cũng đã được Oxfam - một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, đăng tải.

Hồ sơ Panama sẽ được công bố trong đêm nay
Hồ sơ Panama sẽ được công bố trong đêm nay

Bức thư có chữ ký của Thomas Piketty, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tư bản trong thế kỉ 21”, Angus Deaton – người vừa đoạt giải Nobel về kinh tế và Nora Lustig – giáo sư Kinh tế học Châu Mỹ La Tinh, Đại học Tulane, cùng với các chuyên gia có tầm ảnh hưởng và kinh nghiệm cố vấn cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách như Jeff Sachs – giám đốc Viện nghiên cứu trái đất thuộc Đại học Columbia, cố vấn của Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon và OIivier Blanchard – nguyên nhà kinh tế trưởng của IMF.

Bức thư được gửi đi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống tham nhũng tại London dự kiến diễn ra vào ngày 12/5 tới do Thủ tướng Anh David Cameron sẽ chủ trì với sự tham gia của các chính trị gia từ hơn 40 quốc gia cũng như các đại diện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm mục đích kêu gọi toàn cầu hành động để đưa ra ánh sáng, trừng phạt và xóa bỏ nạn tham nhũng ở mọi nơi.

Tại bức thư này, các giáo sư từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Havard, Oxford hay Sorbonne... kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới tận dụng Hội nghị Thượng định chống Tham nhũng để "tiến hành những bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt kỷ nguyên của thiên đường thuế".

Theo các nhà kinh tế, "sự tồn tại của các thiên đường thuế không đem lại sự giàu có hay cuộc sống tốt đẹp trên toàn cầu, cũng như không đem lại lợi ích kinh tế". Các nhà kinh tế khẳng định, "những hệ thống luật pháp này rõ ràng đem lại lợi ích cho nhiều cá nhân giàu có và công ty đa quốc gia. Lợi ích này chính là sự mất mát của những người khác và từ đó làm gia tăng bất bình đẳng".

Bức thư viết:

Như những gì được tiết lộ gần đây trong Hồ sơ Panama và các vụ rò rỉ thông tin khác, việc các thiên đường thuế bảo mật thông tin chính là nguyên nhân gia tăng của nạn tham nhũng và khiến nhiều quốc gia mất khả năng thu lại những khoản thuế hợp pháp. Trong khi tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn trốn thuế, thì các quốc gia nghèo lại là những quốc gia bị thất thoát nguồn thu thuế nhiều nhất với khoảng 170 tỷ USD hàng năm.

Là những nhà kinh tế, mặc dù chúng tôi có nhiều quan điểm khác nhau về mức thuế cần phải thu, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, cá nhân hay doanh nghiệp, nhưng chúng tôi cùng thống nhất rằng việc các quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tài sản được che dấu dưới vỏ bọc các công ty hoặc khuyến khích các công ty ghi lợi nhuận tại những quốc gia mà họ hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh nào tại nơi đó.

Bằng việc che dấu các hoạt động phi pháp và cho phép các cá nhân giàu có và công ty đa quốc gia hoạt động theo các quy định không đồng nhất, những lãnh thổ và quốc gia này cũng gây nguy hại đến luật pháp, là cơ sở thiết yếu cho thành công của một nền kinh tế.

Để xóa bỏ những bí mật về bảo mật thông tin của các thiên đường thuế, chúng ta cần những thỏa thuận toàn cầu về các vấn đề như báo cáo công khai giữa các quốc gia, trong đó bao gồm cả các quốc gia được coi là thiên đường thuế.

Các chính phủ, trong khuôn khổ lãnh thổ của họ, phải đảm bảo công khai thông tin sẵn có về người sở hữu thực sự của các công ty và quỹ. Vương quốc Anh, với tư cách chủ trì Hội nghị và là quốc gia có chủ quyền ở hơn một phần ba thiên đường thuế của thế giới, có vị thế đặc biệt để tiên phong.

Xóa bỏ thiên đường thuế là điều không dễ dàng. Có nhiều đối tượng đầy quyền lực đang hưởng lợi từ tình trạng này. Adam Smith đã nói rằng người giàu “nên đóng góp cho chi tiêu công, không chỉ với tỷ lệ tương đương với doanh thu của mình, mà còn hơn cả tỷ lệ này nữa.” Không có bất kỳ sự bao biện kinh tế nào có thể cho phép các thiên đường thuế tiếp tục tồn tại.

Jeff Sachs khẳng định, sự tồn tại của những thiên đường thuế là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn
Jeff Sachs khẳng định, sự tồn tại của những thiên đường thuế là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn

Hệ thống toàn cầu dối trá này cần phải sớm chấm dứt

Trong thông cáo báo chí của Oxfam phát ra hôm nay, tổ chức này dẫn lời một trong những nhà kinh tế nói trên là Jeff Sachs cho hay: "Thiên đường thuế không tự nhiên xuất hiện. Quần đảo Virgin thuộc Anh không bỗng dưng trở thành thiên đường thuế. Những thiên đường thuế như vậy là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn, đặc biệt là Anh và Mỹ, trong mối hợp tác với các tổ chức tài chính, kế toán và thể chế pháp luật với mục đích di chuyển dòng tiền".

“Sự lạm dụng này không chỉ gây sốc, mà còn được cho rằng khá hiển nhiên và lộ liễu. Chúng ta không cần đến Hồ sơ Panama để biết rằng nạn tham nhũng thuế toàn cầu thông qua thiên đường thuế đang lan rộng, nhưng chúng ta có thể thấy rằng hệ thống toàn cầu dối trá này cần phải sớm chấm dứt. Đây chính là ý nghĩa của quản trị nhà nước tốt nhằm thực hiện cam kết toàn cầu về phát triển bền vững” - Jeff Sachs mạnh mẽ nêu quan điểm.

Bức thư của các nhà kinh tế cho rằng Vương quốc Anh đang có vị thế đặc biệt để tiên phong trong việc chấm dứt bảo mật thông tin ở nước ngoài, do có chủ quyền ở gần một phần ba các thiên đường thuế trên thế giới, thông qua Lãnh thổ Hải ngoại và các Vùng phụ thuộc Vương quốc Anh.

Có hơn một nửa các công ty được thành lập bởi Mossack Fonseca, công ty luật trong vụ tiết lộ Tài liệu Panama, đăng ký pháp nhân ở các Lãnh thổ Hải ngoại của Vương quốc Anh, như Quần đảo Virgins thuộc Anh.

Oxfam cho biết, tổ chức này chung tiếng nói với 300 nhà kinh tế, kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đồng ý với kế hoạch chấm dứt bảo mật thông tin nước ngoài trên toàn cầu, để việc xóa bỏ những lỗ hổng luật pháp tại một thiên đường trốn thuế sẽ không làm cho các đối tượng trốn thuế chuyển kinh doanh sang thiên đường trốn thuế khác.

Theo Oxfam, hệ thống hiện tại cho phép giới nhà giàu và có quyền lực giấu tiền ở nước ngoài, chiếm đoạt của các quốc gia khoản thuế cần thiết cho các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Là tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy người dân tự lực thoát nghèo, nhưng Oxfam cũng cảnh báo rằng hàng triệu người dễ tổn thương nhất trên thế giới sẽ vẫn nghèo nếu các thiên đường trốn thuế vẫn tồn tại như hiện nay.

Bích Diệp