TPP không có Mỹ, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn không ảnh hưởng!

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân Trí, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: TPP có đạt thỏa thuận hay không, thì không ảnh hưởng đến dệt may Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu dệt may sang Mỹ bởi hiện đây là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

Theo ông Cẩm, hiện dệt may Việt Nam đã và đang là ngành xuất khẩu số 1 sang Mỹ. Nhiều quan điểm cho rằng chúng ta sẽ gặp bất lợi nếu TPP không được Mỹ thông qua. Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội cho rằng: "Nếu TPP được thông qua, chúng ta cũng phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện như nội địa hóa xơ sợi, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may một số năm. Trong lúc này, Việt Nam còn thiếu hụt về tỷ lệ nội địa hóa....

TPP dù không được thông qua, nhưng xuất khẩu dệt may sẽ không bị ảnh hưởng!
TPP dù không được thông qua, nhưng xuất khẩu dệt may sẽ không bị ảnh hưởng!

Trước một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ có nguy cơ rút khỏi TPP, Trung Quốc thế chân sẽ khiến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng vì cạnh tranh, đối kháng trực tiếp với hàng Trung Quốc tại nhiều thị trường xuất khẩu, ông Cẩm nhấn mạnh: "Trước mắt việc Trung Quốc tham gia TPP mới chỉ là phân tích, phỏng đoán, còn thực tế thì chưa có cơ quan chính thống nào đưa ra. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tham gia TPP, chắc chắn các cơ chế đàm phán sẽ rất khác với TPP "gốc" hiện nay và ưu đãi và rào cản thị trường cũng sẽ khác biệt nhiều. Nếu TPP có Trung Quốc cũng không ảnh hưởng gì đối với dệt may Việt Nam, bởi hiện Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định tự do song và đa phương có Trung Quốc như ACFTA, WTO, ASEAN+ 3, ASEAN +6... chúng ta vẫn xuất khẩu bình thường đến các nước, trong đó có cả Mỹ".

Trả lời về câu hỏi, thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào dệt may Việt Nam, trong đó nhiều DN kỳ vọng vào TPP sẽ được thông qua và đây là lợi thế đầu tư của mình. Tuy nhiên, bối cảnh TPP bị bãi bỏ, rất có thể các DN thu hẹp sản xuất, ngừng thậm chí giảm đầu tư, quy hoạch ngành dệt may sẽ gặp khó?

Ông Cẩm cho rằng: "Không nên coi TPP là chiếc đũa thần cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, cho dù năm qua dệt may xuất sang Mỹ đạt hơn 11 tỷ USD. Ngoài TPP, Việt Nam còn có trên 10 hiệp định FTA đã, đang và sẽ ký, do đó, chỉ cần chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng, rèn rũa lại mình thì chúng ta sẽ khai thác được nhiều thị trường khác, trong đó có cả Mỹ khi BTA và WTO chúng ta đã và đang khai thác rất tốt. Nói tóm lại, TPP có được Mỹ thông qua hay không, ngành dệt may Việt Nam cũng không ảnh hưởng".

"Hơn nữa, dư luận đang hiểu một chiều về xu hướng FDI vào ngành dệt may là đổ vào vì TPP. Điều này chưa đúng, bởi các DN nước ngoài họ phân tích rất nhiều khía cạnh, có lợi mới vào. TPP chỉ là cái cớ, là 1 nguyên nhân, còn lại Việt Nam vẫn bắt mắt các nhà đầu tư là do: nền kinh tế hướng mở, xuất khẩu, có nhiều hiệp định FTA với thuế suất bằng 0% từ WTO, từ FTA với EU, Nhật, Hàn... Hơn nữa, Việt Nam lại chưa có ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đúng nghĩa, thiếu xơ sợi, dệt nhuộm, đây là mắt xích được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn nhất thời gian qua, họ vừa muốn tận dụng chi phí giá rẻ, vừa muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, để hướng đến xuất khẩu từ nhiều thị trường khác nhau", ông Cẩm nói thêm.

Ở khía cạnh phân tích chính sách, TS Lương Văn Khôi - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Thực ra, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP là cơ hội để Việt Nam xem lại các FTA trước đây chúng ta đã có những chuẩn bị gì chưa. Mỹ là thành viên sáng lập, họ sẵn sàng từ bỏ TPP vì lợi ích của mình, chúng ta cũng cần cân nhắc để đánh giá lại hội nhập có thực chất hay chưa?

"Tôi nhớ trước đây có trào lưu nói rất mạnh là TPP mang nhiều cơ hội cho VN tuy nhiên, theo tôi, TPP không hẳn mang lại những cái tốt cho Việt Nam, bởi nó còn rất nhiều rủi ro do cơ chế giữa người chơi và sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị của Việt Nam thể hiện qua WTO, hoặc giữa ASEAN Trung Quốc (ACFTA) đã thấy rõ và cả hiện nay, khi TPP đàm phán xong, các DN Việt Nam đường như chưa biết và chưa chuẩn bị gì để tìm hiểu các thị trường này cả", ông Khôi nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI): Phần lớn lo ngại TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, tuy nhiên, theo tôi không ảnh hưởng nhiều.

Ông Hưng phân tích: Nếu TPP được thông qua Việt Nam sẽ là một trong các nước hưởng lợi trước mắt nhiều nhất do hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực như dệt may, da giầy... qua đó có thể giúp GDP tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên cảm nhận cá nhân chúng ta hiện tại chưa chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi ích khi TPP được phê chuẩn, nên việc dừng TPP cũng không khác nhiều nếu TPP được thông qua.

Bên cạnh đó, mặt tiêu cực khi mở cửa thị trường hội nhập trong khi chúng ta chưa chuẩn bị tốt là hàng hoá của các nước thành viên sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh với hàng hoá của chúng ta tại thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa chúng ta phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu để xuất khẩu, như vậy gia tăng giá trị xuất khẩu chứ chưa gia tăng giá trị gia tăng cho người Việt Nam.

Nguyễn Tuyền