Quanh vụ 27.000 ha tôm, nghêu bị chết:

Rút giấy phép các cơ sở sản xuất tôm giống không đủ điều kiện

(Dân trí) - Quanh việc 27.000 ha tôm, nghêu bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, kiên quyết rút giấy phép các cơ sở sản xuất tôm giống không đủ điều kiện.

 
Rút giấy phép các cơ sở sản xuất tôm giống không đủ điều kiện - 1

Nhiều hộ nuôi tôm, nghêu trắng tay khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. (ảnh: Duy Tuyên)

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng gửi Bộ NN&PTNT, tính từ tháng 3 đến nay, tại một số tỉnh miền Trung và Nam Bộ đã xảy ra hiện tượng tôm, nghêu chết trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất chăn nuôi thủy hải sản, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Báo cáo cho thấy, diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại trên 25.000 ha. Trong đó, thiệt do bệnh đốm trắng khoảng 423 ha, còn lại tôm bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nguyên nhân, tôm bị chết do bệnh hoại tử gan, tụy - một bệnh mới xuất hiện gây chết hàng loạt diện tích tôm nuôi ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.

Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, nghêu chết hàng loạt trên diện tích 2.100 ha (chiếm 60% diện tích), sản lượng thiệt hại trên 10 nghìn tấn, ước tính thiệt hại vào khoảng 320 tỷ đồng.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến ngành và đời sống của bà con nuôi trồng thủy hải sản, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải làm tốt các nhiệm vụ, theo dõi sát sao các dịch bệnh trên tôm, nghêu tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan trên diện rộng. Chủ động phối hợp trong công tác phòng, chống dịch.

Tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc; kiên quyết rút giấy phép, dừng sản xuất các cơ sở sản xuất giống tôm không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh.

Giám sát chặt chẽ, thực hiện kiểm dịch 100% con giống xuất bán và thả nuôi từ các cơ sở sản xuất giống; thực hiện tái kiểm dịch; kiên quyết tiêu hủy tôm bố, mẹ, tôm giống có mầm bệnh nguy hiểm.

Ngoài vấn đề thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho tôm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện việc giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở các vùng nuôi nghêu; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, tẩy trùng, sát khuẩn ao nuôi.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan thú y, cơ quan thủy sản trực thuộc Bộ và tỉnh phải phối hợp với nhau để tiến hành tốt công tác phòng, chống, dập dịch; báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh, thiệt hại cũng như các biện pháp đã, đang và sẽ tiến hành phòng, chống dịch bệnh và đề xuất Chính phủ về chích sách hỗ trợ rủi ro thiệt hại cho người dân.

Hồng Ngân