Nguy cơ Việt Nam thành “cửu vạn của thế giới”

(Dân trí) - Hiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vẫn là hàng thô, giá trị gia tăng thấp và nếu không thay đổi, nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “cửu vạn của thế giới”.

“Người Việt Nam chưa giàu đã già, cho nên nếu mình không cải thiện về mặt đẳng cấp mà vẫn phát triển như từ trước đến nay thì khả năng sẽ còn già nhanh hơn nữa mà vẫn nghèo”.

TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện Kinh tế Trung ương nhìn nhận như vậy khi chia sẻ về thực trạng của hàng Việt hiện nay tại “Diễn đàn Hội nhập và Sức mạnh hàng Việt” diễn ra sáng nay (6/10).


Nền kinh tế của chúng ta không chuyển dịch về đẳng cấp thì sức mạnh hàng Việt ở đâu? Mãi sẽ chỉ ở phân khúc sản phẩm chất lượng thấp…”. - TS Trần Đình Thiên.

"Nền kinh tế của chúng ta không chuyển dịch về đẳng cấp thì sức mạnh hàng Việt ở đâu? Mãi sẽ chỉ ở phân khúc sản phẩm chất lượng thấp…”. - TS Trần Đình Thiên.

Theo ông Thiên, hiện nay, hàng hoá của Việt Nam sản xuất yếu là hàng gia công, lắp ráp. “Chúng ta nói xuất khẩu quần áo nhưng chỉ là đạp máy khâu, chúng ta nói xuất khẩu điện thoại Samsung nhưng chỉ là lắp ráp lại linh kiện”, ông Thiên nói.

Bởi hiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vẫn là hàng thô, giá trị gia tăng thấp và nếu không thay đổi, nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “cửu vạn của thế giới”.

“Cơ bản Việt Nam vẫn đi bán hàng thô, bán hàng thuê, chúng ta nhập khẩu 90% làm giá trị gia tăng thêm 5% và bán được 5% như thế chúng ta chỉ được 10% trong chỗ ấy và là cửu vạn của thế giới... Nền kinh tế của chúng ta không chuyển dịch về đẳng cấp thì sức mạnh hàng Việt ở đâu? Mãi sẽ chỉ ở phân khúc sản phẩm chất lượng thấp…", ông Thiên nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đến nguyên nhân của vấn đề này, ông Thiên cho rằng đó là do chính sách vĩ mô của ta không khuyến khích sản xuất nội địa. “Chỉ nhập khẩu về lắp ráp và tiêu dùng thì lấy đâu ra động lực cho các doanh nghiệp sáng tạo, sản xuất”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên thô và hàng kém chất lượng và không có lấy một thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ông Thiên cho biết: “Ở Quảng Ninh than cám còn thừa hơn chục triệu tấn nhưng vẫn phải nhập khẩu than của Trung Quốc về làm nhiệt điện và luyện kim. Lúa gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng không có lấy một thương hiệu quốc tế. Về thương hiệu hàng hoá, hàng hóa của chúng ta đẳng cấp rất thấp, thương hiệu mà có chủ yếu của nước ngoài”.

Đồng tình với TS Trần Đình Thiên, các đại biểu khác cũng đã đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, đó là: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý kiên trì định hướng công nghệ cao, đặc biệt chú ý đến đặc sắc Việt Nam và phải đầu tư vào đóng gói để tạo ra giá trị cho hàng hóa”.

Một loại hình hàng hoá không còn xa lạ trên thị trường hiện nay đó là các dịch vụ làm đẹp. Nó mang lại nguồn thu rất lớn cho đất nước và cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, nó lại chưa được sự quan tâm thích đáng của Nhà nước cũng như các cấp lãnh đạo.

Có mặt tại diễn đàn, PGS – TS Nguyễn Thị Thuận – Nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động Xã hội, Chủ tịch hội Đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, đã nói lên những bức xúc cho ngành dịch vụ làm đẹp: “Hiện nay, thẩm mỹ của Việt Nam chưa đào tạo được nhiều, thậm chí chúng ta chưa có khoa Thẩm mỹ ở đại học Y dẫn đến tình trạng phải thuê gần như đa số bác sĩ thẩm mỹ ở Hàn Quốc vào. Bên cạnh đó, việc nhập hàng chính hãng vô cùng khó khăn, có người một năm nay không xin được giấy phép để nhập hàng, khi người ta xét đến cái mã của họ thì ở bên kia người ta đã hết rồi, họ đã sản xuất sang mã mới”.

Theo bà Thuận, nên giao việc quản lý chất lượng, đưa ra các tiêu chí đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các hội giúp phát triển ngành dịch vụ làm đẹp.

“Ngoài ra, việc quản lý tên của các đơn vị kinh doanh chưa tốt, một nơi đào tạo rất nhỏ bé cũng được cấp tên Học viện và người được đào tạo trình độ văn hóa rất hạn chế cũng được gọi là Giáo sư”, bà Thuận chia sẻ.

Thế Hưng