Người tiêu dùng bị "móc túi", Bộ Tài chính hứa trám "lỗ hổng" thuế
(Dân trí) - Liên quan đến việc người dân đang phải "móc tiền túi" để tăng lãi cho các doanh nghiệp xăng dầu vì chênh lệch thuế trong tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết "đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục" và sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Bộ Tài chính chiều nay (15/3/2016) đã phát thông cáo khẳng định, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.
"Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố", Bộ Tài chính cho hay.
Tuy nhiên, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), do vậy, Bộ Tài chính cho biết "đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau)".
Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định "sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới".
Ngoài ra, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.
Như đã đưa tin, do có "lỗ hổng" trong cách tính giá xăng dầu nên năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã được hưởng lợi lớn. Điều này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh năm 2015 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với mức lãi sau thuế 3.138,5 tỉ đồng - đảo ngược hoàn toàn so với kết quả lỗ hơn 9 tỉ đồng của năm 2014. Riêng công ty mẹ Petrolimex ghi nhận lãi 2.142 tỉ đồng, gấp 37 lần con số lãi 58,5 tỉ đồng của năm 2014.
Nguyên nhân được giới chuyên gia mổ xẻ do việc liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính giá cơ sở dựa trên thuế suất cũ trong khi thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ nhiều thị trường đã giảm mạnh.
Theo đó, mức thuế suất áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu áp dụng theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10% và dầu hỏa là 13%.
Thế nhưng trên thực tế, theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, từ 1/1/2015, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN chỉ còn chịu mức thuế suất là 5%, còn thuế suất nhập khẩu với dầu mazut là 0%.
Từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ ASEAN vào Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%. (Đây là thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam. Năm 2015, trong tổng cộng hơn 10 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam thì quá nửa được nhập từ ASEAN: từ Singapore là 3,84 triệu tấn, từ Thái Lan là 2,28 triệu tấn).
Trong khi đó, với mặt hàng xăng RON 92, mức thuế suất nhập khẩu từ ASEAN trong năm 2015 và 2016 vẫn là 20% nhưng từ năm 2016, do hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết nên thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ còn 10%.
Như vậy, nếu vẫn giữ cách tính giá xăng dầu như hiện tại thì dự kiến trong năm 2016, người dân vô hình chung sẽ tiếp tục phải "móc túi" (phải chịu thuế cao) để tăng lãi cho doanh nghiệp xăng dầu do "vênh thuế" (doanh nghiệp hưởng thuế thấp).
Về mức lãi của các doanh nghiệp xăng dầu nhờ chênh lệch thuế thời gian qua, một số chuyên gia đề xuất cần "trả" lại cho người dân theo hướng bổ sung vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, trong hai bản thông cáo của cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mới đây đều không đề cập đến vấn đề này.
Bích Diệp