1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lợi nhuận của Viettel chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Thị trường viễn thông thế giới đang trong giai đoạn bão hòa với doanh thu trung bình chỉ tăng 4%, còn lợi nhuận suy giảm 1,6%. Thế nhưng, với 3 hãng viễn thông Việt Nam và đặc biệt là Viettel – câu chuyện đang lại rất khác.

Kết thúc năm 2017, 3 hãng viễn thông lớn nhất Việt Nam đều báo lợi nhuận lớn với con số khả quan. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%. Đây là số liệu chính thức so sánh với con số lợi nhuận hợp nhất được báo cáo Chính phủ năm 2016.

Trong khi đó, VNPT công bố doanh thu 144.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận đạt 5.000 tỷ đồng. Riêng MobiFone có doanh thu 44.234 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5.589 tỷ đồng.


Chỉ riêng lợi nhuận từ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn Viettel đã đạt 5.000 tỷ đồng

Chỉ riêng lợi nhuận từ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn Viettel đã đạt 5.000 tỷ đồng

Các kết quả về tăng trưởng lợi nhuận của 3 hãng viễn thông nói trên là khá đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong nước đã đi vào giai đoạn bão hòa. Còn trên thế giới, hầu hết các nhà mạng đều suy giảm lợi nhuận còn doanh thu tăng trưởng thấp.

AT&T hiện là công ty viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2016, doanh thu của tập đoàn này lên đến 163 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2015 (146,8 tỷ USD). Tuy vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (operating income) giảm 1,8% và lợi nhuận trước thuế giảm 4,3%.

Đối thủ của AT&T là Verizon (nhà mạng thứ 2 thế giới) lại chứng kiến một kịch bản khác trong năm 2016. Tổng doanh thu giảm 4,3% xuống mức 126 tỷ USD. Trước đó, từ năm 2012 đến 2015, doanh thu của Verizon luôn tăng. Lợi nhuận năm 2016 của Verizon giảm ¼ xuống mức 13,6 tỷ USD.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2016 của ngành viễn thông thế giới nói chung chỉ là 4%, còn lợi nhuận giảm 1,6%. Cũng vì thế, các con số của 3 nhà mạng Việt Nam là rất ấn tượng. Đặc biệt, với Viettel là công tỷ đã đạt quy mô doanh thu hơn 10 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 2 tỷ USD thì đây là một điều khác biệt.

Đặc biệt hơn, kết quả lợi nhuận Viettel đạt được trong bối cảnh Tập đoàn Viettel có đầu tư rất lớn trong năm 2017 cho mạng 4G và đầu tư mạng viễn thông có quy mô lớn nhất tại nước ngoài ở Myanmar. Ở trong nước, mảng viễn thông của Viettel tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới.

Những con số ấn tượng của người dẫn đầu

Lợi nhuận của Viettel 2017 chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, Viettel nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng, tức tăng 2,3%. Con số này tương đương tổng chi ngân sách trung ương cho 3 lĩnh vực sự nghiệp: giáo dục - đào tạo, dân số - y tế, và khoa học - công nghệ. Năng suất lao động đạt 3,09 tỷ đồng/người – tăng 20% so với năm 2016. Trong khi đó, theo công bố từ Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người .

Mặc dù viễn thông trong nước vẫn đóng góp lớn nhất (65,6% trong tổng doanh thu của Viettel); nhưng lĩnh vực đầu tư nước ngoài đang lên và có tỷ trọng ngày càng tăng (năm 2017 là 13,55%).Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng là công ty đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có doanh thu từ đầu tư nước ngoài vượt ngưỡng tỷ USD. Đây cũng là thị trường tương lai của Viettel (dự kiến có quy mô toàn cầu 1 tỷ dân vào năm 2020) khi mà trong nước đã đến ngưỡng bão hòa (mật độ điện thoại đạt 116 thuê bao/100 dân).


Ở mảng đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của Viettel là gần 25%, gấp 6 lần so với mức trung bình của ngành viễn thông thế giới.

Ở mảng đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của Viettel là gần 25%, gấp 6 lần so với mức trung bình của ngành viễn thông thế giới.

Ở mảng nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng. Các thiết bị mạng lõi do tập đoàn sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế, trong đó có 300 trạm BTS 4G. Năm 2017, Viettel đã có 25 bằng sáng chế, gấp 3 lần năm 2016 và đứng thứ 3 cả nước.

Lợi nhuận từ nghiên cứu sản xuất thiết bị đạt hơn 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Nghiên cứu sản xuất dự kiến là một cột trụ quan trọng trong chiến lược của Viettel.

Cũng trong năm, Tập đoàn Viettel được Chính phủ công nhận là Doanh nghiệp Quốc phòng, An ninh. Đi cùng với đó, tập đoàn có nhiệm vụ đến năm 2020, phải xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự của tập đoàn đạt 1 tỷ USD.

Năm 2017, Viettel có được 3 chỉ số quan trọng nhất đối với doanh nghiệp trong nước: công ty nộp thuế lớn nhất (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính); công ty có lợi nhuận tốt nhất (Vietnam Report); công ty có thương hiệu giá trị nhất – 2,569 tỷ USD (Brand Finance – hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh).

Chính nhờ những con số ấn tượng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn, và đặc biệt là những bước phát triển mạnh mẽ ra thị trường toàn cầu cùng thành quả vượt trội trong nghiên cứu phát triển, Viettel được ví như “Samsung của Việt Nam”.

Năm 2018, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu doanh thu 277.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2017; lợi nhuận 45.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017. Thuê bao 4G lũy kế đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 17 triệu. Viettel đặt mục tiêu nâng cao chất lượng mạng lưới, đưa tốc độ data mạng 4G vào Top 10 của thế giới. Ở mảng đầu tư nước ngoài, tập đoàn sẽ khai trương dịch vụ di động tại Myanmar – thị trường quốc tế thứ 10.

Nguyễn Tuấn