Khác biệt của sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sắp vận hành

(Dân trí) - Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) - sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - sẽ được vận hành từ quý II/2018. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư sẽ trực tiếp khai thác thay vì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) như 21 sân bay khác trên cả nước hiện nay.

Xúc tiến khai thác sân bay tư nhân

Với mức vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, sân bay quốc tế Vân Đồn được khởi công từ đầu năm 2015 và dự kiến đến giữa năm 2018 có thể đi vào hoạt động, khai thác hàng không dân dụng.

Dự kiến, trong năm đầu tiên mở cửa, sân bay Vân Đồn đón khoảng 500.000 lượt khách. Công suất thiết kế sân bay giai đoạn đầu là 2 triệu khách/năm và tăng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030.

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đề án thành lập đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc (HKMB) tại sân bay quốc tế Vân Đồn. Đây là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hàng không, qua đó bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về hàng không tại sân bay.

Theo Tờ trình, cơ quan đại diện Cảng vụ HKMB tại Vân Đồn sẽ gồm 38 người, có nhiệm vụ bảo đảm việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động tại sân bay, bảo đảm hoạt động hàng không dân dụng diễn ra thông suốt và tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan.

​Phối cảnh sân bay Vân Đồn khi hoàn thành
​Phối cảnh sân bay Vân Đồn khi hoàn thành

Tháng 4/2017, hoạt động tuyển dụng nhân sự cho các vị trí nhân viên mặt đất, kỹ thuật… để cử đi đào tạo, huấn luyện đã được chủ đầu tư triển khai và gửi hồ sơ đến Cục HKVN thẩm định, cấp phép.

Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, sân bay quốc tế Vân Đồn sẽ do chính doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác thay vì trực thuộc sự quản lý của ACV. Đây cũng là điểm khác biệt của Vân Đồn so với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.

Riêng hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Giá dịch vụ hàng không tại sân bay Vân Đồn sẽ được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình thị trường.

"Bài học" giữa tư nhân và nhà nước

Trong buổi làm việc tại Bộ GTVT hồi tuần trước, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đặt vấn đề tư nhân và nhà nước cùng đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay sẽ cho thấy sự khác biệt cả về tiến độ và đẳng cấp, điển hình là Cảng hàng không Vân Đồn và Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khẳng định, sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài và Tân Sơn Nhất về quy mô nhưng đẳng cấp thì như nhau.

“Thời gian từ lúc làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, có thể chỉ 6 tháng nữa sẽ khánh thành. Trong khi đó, chúng ta bàn việc cấp bách “gấp vạn lần” Vân Đồn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa.” - ông Trần Đình Thiên cho hay.

Được biết, khi đi vào hoạt động, mạng bay quốc tế chủ đạo mà sân bay Vân Đồn khai thác giai đoạn đến năm 2020 tập trung ở thị trường Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan - chiếm tới 60% khách quốc tế đến Quảng Ninh. Đối với mạng bay nội địa sẽ hướng tới các điểm du lịch thuộc các tỉnh phía Nam.

Theo các chuyên gia hàng không, khách từ Trung Quốc có thể bay thẳng đến Quảng Ninh thay vì phải đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) hoặc sân bay Nội Bài (Hà Nội) rồi chuyển tiếp bằng đường bộ, đặc biệt là loại hình bay thuê chuyến cũng sẽ phát triển.

Sân bay Vân Đồn cũng được kỳ vọng sẽ thu hút các tuyến bay đến/đi từ khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... Trong giai đoạn 2020-2030 sẽ tăng cường và mở rộng mạng đường bay quốc tế đến Nhật Bản, các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.

Châu Như Quỳnh