Tư nhân làm xong sân bay Vân Đồn, Nhà nước vẫn “loay hoay” bàn Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, tư nhân làm sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) rất nhanh và chỉ 6 tháng nữa là khánh thành. Trong khi đó, bao nhiêu năm nay các đơn vị Nhà nước vẫn “loay hoay” bàn việc cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành.
Vấn đề này được Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đặt ra tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu, chiều 30/11.
Bài học về tư nhân hoá
Theo ông Trần Đình Thiên, mặc dù Bộ GTVT đang đứng đầu về cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
Viện trưởng Viện kinh tế dẫn chứng về câu chuyện giữa tư nhân và Nhà nước khi cùng đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay, trong đó điển hình là Cảng hàng không Vân Đồn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4.000 tỷ đồng và Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Long Thành.
“Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài và Tân Sơn Nhất về quy mô nhưng cũng có đẳng cấp. Thời gian từ lúc làm tới lúc kết thúc rất nhanh, có thể chỉ 6 tháng nữa sẽ khánh thành sân bay Vân Đồn.
Trong khi đó, chúng ta bàn việc cấp bách “gấp vạn lần” Vân Đồn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa” - ông Trần Đình Thiên cho biết.
Với việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Viện trưởng Viện kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, ông từng nghe chia sẻ của nhà đầu tư tư nhân, họ nói do thủ tục “lằng nhằng” quá nên có cơ hội nhưng khó tham gia đầu tư, nếu không vướng các thủ tục thì họ sẵn sàng đầu tư và làm chỉ vài tháng là xong.
“Nếu cứ “ưu tiên” cho doanh nghiệp Nhà nước thì tư nhân sẽ không có cơ hội để tham gia, nếu thủ tục còn phức tạp thì tư nhân cũng không muốn tham gia, đó là lí do tại sao công nghiệp hóa còn chậm. Hiện nay cần tiếp cận tới lực lượng phát triển tư nhân và chúng ta cần phải có cách để cổ động, việc Bộ GTVT tạo điều kiện và cơ hội cho họ sẽ có ý nghĩa rất lớn” - Viện trưởng Viện kinh tế nhấn mạnh.
Bộ GTVT quyết gỡ “nút thắt”
Đề cập tới một số “sự cố” BOT trong thời gian qua, ông Trần Đình Thiên nhắc tới vấn đề chủ phương tiện trả tiền lẻ qua trạm BOT, các “sự cố” kéo dài gây ra những căng thẳng trong xã hội.
Nói về nguyên nhân của tình trạng nói trên, ông Trần Đình Thiên cho rằng vấn đề bắt nguồn từ chi phí logistic quá lớn “đè” lên doanh nghiệp, cùng đó là việc tổ chức giao thông. Muốn giải quyết vấn đề này phải dựa trên nền tảng văn bản; chi phí, dịch vụ và cách phục vụ phải đảm bảo.
Viện trưởng Viện kinh tế cũng đề cập tới việc áp dụng thu phí tự động không dừng chậm tiến độ của ngành GTVT. Theo ông, ở đây không phải là công nghệ mà là do các chủ thể không muốn thực hiện, có những “động lực” khác mạnh hơn cản trở.
“Bộ GTVT cần giữ vững lập trường để vì lợi ích quốc gia, cùng Chính phủ thực hiện quyết liệt việc này trên cơ sở pháp lý” - ông Trần Đình Thiên kiến nghị.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT tiếp nhận những chỉ đạo của Thủ tướng và các góp ý của Tổ công tác về xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, triển khai thu phí không dừng, logistic… Bộ sẽ tổng rà soát lại các nghị định, thông tư, bãi bỏ các quy định không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, trước sự tiến bộ của công nghệ và các phương thức sản xuất mới, nhiều điều kiện kinh doanh của Bộ không còn phù hợp nữa, cản trở sự phát triển, cần sớm được sửa đổi.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đã tới lúc ngành GTVT cần xem chất lượng các công trình giao thông là yêu cầu hàng đầu chứ không chạy theo số lượng nữa. “Dự án nếu làm đúng giá thành và quy trình thì chất lượng tốt, nhưng nếu dự án giá thấp thì chất lượng sẽ kém hơn. Chúng tôi sẽ tập trung các giải pháp để đảm bảo chất lượng công trình giao thông được tốt nhất” - ông Thể cho hay.
Với thu phí không dừng, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định sẽ nghiêm túc triển khai quyết định 07 của Thủ tướng. Theo đó, năm 2018 toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ 1 và HCM qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động, tới năm 2019 áp dụng với 100% trạm BOT trên cả nước để bảo đảm công khai, minh bạch. “Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì Bộ GTVT sẽ dừng hoạt động thu phí của dự án đó” - ông Thể cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh