1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng tiêu dùng: Làm cả năm, “ăn” ba tháng Tết

(Dân trí) - Kẹo bánh, rượu bia, nước ngọt luôn là những ngành hàng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất vào dịp Tết. Bên cạnh đó, cạnh tranh tại những sản phẩm như cà phê, trà túi lọc, bột giặt, dầu ăn…cũng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tết luôn là dịp mua sắm lớn nhất năm của người Việt (ảnh: Bloomberg)
Tết luôn là dịp mua sắm lớn nhất năm của người Việt (ảnh: Bloomberg)

Nielsen vừa công bố nghiên cứu về hoạt động kinh doanh trong mùa Tết. Theo đó, dịp Tết Nguyên Đán 2016, các ngành hàng quan trọng và được tiêu dùng vượt trội mang lại doanh thu cao nhất là ngành hàng bánh kẹo, nước giải khát, và bia.

Ví dụ, ngành hàng bánh quy có cơ hội tăng doanh số đến hơn 49% trong dịp này. Hay doanh số chỉ trong 3 tháng Tết đóng góp đến 28% tổng doanh số hằng năm của ngành hàng nước giải khát. Doanh số của bia trong tháng Tết cũng tăng 1,5 lần so với các khoảng thời gian còn lại trong năm.

Bên cạnh đó, bánh quy cũng được sử dụng nhiều như những món quà mà người tiêu dùng (NTD) dành tặng nhau nhân dịp Tết. Tuy nhiên, với hơn 401 loại sản phẩm được tung ra thì việc để được nổi bật trên kệ hàng và thu hút sự chú ý của NTD là bài toán khó đối với các nhà sản xuất.

Không chỉ các ngành hàng nói trên, theo quan sát của Nielsen, các ngành hàng như cà phê, dầu ăn, trà túi lọc hay thậm chí là cả các sản phẩm giặt giũ cũng đã cải tiến, đổi mới và điều chỉnh thông điệp truyền thông của họ để phù hợp với không khí Tết.

Thế nên, khi những ngành hàng này tham gia cuộc chơi, sự cạnh tranh vào dịp Tết mỗi năm lại càng trở nên khốc liệt hơn.

Nielsen cho biết, sự tăng trưởng về khối lượng của ngành hàng cà phê trong dịp Tết là 17% so với dịp Tết năm trước. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đang đẩy hàng dự trữ và kiểm soát số lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ trước Tết hiệu quả hơn nhằm mục đích hàng Tết được lên kệ sớm và được bán đến tay NTD đúng thời điểm.

Theo khuyến nghị của Nielsen, hiểu biết rõ hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như các mong đợi từ các nhà bán lẻ sẽ giúp các nhà sản xuất thành công trong mùa Tết sôi động. Hơn nữa, cạnh tranh trong cửa hàng, đặc biệt là diện tích kệ trưng bày, không chỉ còn là cuộc chiến giữa các nhà sản xuất cùng ngành hàng mà giờ là giữa các nhà sản xuất nhiều ngành hàng khác nhau.

Do đó, các nhà sản xuất cần phải nắm rõ không chỉ là sự thay đổi trong ngành hàng họ kinh doanh mà còn phải hiểu rõ những đổi mới và tác động khác nhau giữa các ngành hàng. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều đe dọa ngay chính trên sân chơi của mình.

Bích Diệp

 

Hàng tiêu dùng: Làm cả năm, “ăn” ba tháng Tết - 2

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm