1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quảng Ngãi:

Giá cau cao kỷ lục, người dân gặt “lộc trời” hàng trăm triệu đồng trên rẻo cao

(Dân trí) - Ngán ngẩm cảnh giá cau chỉ vài trăm đồng, thương lái không thèm đến hỏi mua, người dân vùng cao ở huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) những năm trước đều chặt bỏ cây cau hoặc phó mặt cho thiên nhiên. Thế nhưng, vụ cau năm 2016, người dân vui mừng hái “lộc trời” với giá khoảng 20.000 đồng/kg cau.

Theo thống kê của huyện Sơn Tây, trong năm 2014, tổng diện tích trồng cây cau với 1.423 ha thì đến năm 2016, diện tích trồng cau giảm còn khoảng 1.100 ha. Nguyên nhân giá cau mùa trước rớt giá thê thảm, có thời điểm giá cau dưới 500 đồng/kg, do đó nhiều hộ dân chặt bỏ cây cau để trồng loại cây kinh tế khác.

Vừa hái buồng cau tươi xanh, ông Đinh Văn Hanh (ngụ xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây) hồ hởi nói: “Giá cau cao lắm, tranh thủ hái thôi, chứ họ hái trộm hết. Thu hoạch hết 5 ha vườn cau, kiếm cũng được khoảng 200 triệu đồng. Tết này nhà tôi không lo sợ thiếu thốn, ăn cái tết to thôi”.

Người dân hồ hởi hái cau thu lợi hàng trăm triệu đồng sau cả năm bỏ hoang cho thiên nhiên.
Người dân hồ hởi hái cau thu lợi hàng trăm triệu đồng sau cả năm bỏ hoang cho thiên nhiên.

Với giá 20.000 đồng/kg cau tươi, mỗi buồng cau (tương đương 5kg) thu lợi khoảng 100.000 đồng. Trung bình mỗi héc-ta, người dân thu lợi khoảng 40 triệu đồng. Đây là mùa vụ giá cau tươi cao nhất từ trước đến nay ở huyện miền núi Sơn Tây.

Dọc các tuyến đường xuống xuôi, những trái cau xanh mơn mởn trải dài khắp nẻo đường, cảnh người dân thồ cau đi bán cho thương lái trở nên tấp nập.

Lao động làm ở lò chế biến thành cau khô cũng được giá nhân công theo giá cau.
Lao động làm ở lò chế biến thành cau khô cũng được giá nhân công theo giá cau.

“Sắp đến Tết ngã rạ và Tết của người Kinh, gia đình tôi không biết kiếm tiền ở đâu để đón Tết. May mà vụ mùa cau lần này, nghe nói giá cau đến 20.000 đồng mỗi kg, tôi ra đám cau hơn 2 ha xem sao, thấy cây cau ra nhiều buồng cau xanh tốt, tôi vui lắm. Tôi hái và bán hết được khoảng 100 triệu đồng. Từ rừng cau bỏ hoang, chúng tôi thu lợi hàng trăm triệu đồng, như hái vàng vậy”, ông Đinh Văn Hiu (ngụ xã Sơn Dung) bày tỏ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây bộc bạch: “Mấy năm trước, cây cau liên tục mất giá, khiến người dân chặt phá, bỏ cau đầy trên thân cây. Tưởng chừng cây “xóa đói giảm nghèo” này hết cơ hội tồn tại, năm nay giá cau lại đạt mức giá cao ngất ngưỡng như hiện nay, nhân dân phấn khởi lắm. Trong thời gian tới, huyện nghiên cứu mô hình kinh tế gắn kết với cây cau, tạo điều kiện cho người trồng cau an tâm đầu ra cũng như giá cả, để cây cau thực sự xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm