Khánh Hòa:
Lại “ồ ạt” thu mua cau non bán sang Trung Quốc làm kẹo cau
(Dân trí) - Thời gian gần đây, các thương lái ở Khánh Hòa lại “đổ xô” đi mua cau non sau một thời gian trầm lắng. Một số thương lái khẳng định rằng, cau non sau khi được thu mua thì sấy khô rồi bán sang Trung Quốc để làm kẹo cau, chứ không phải gây hại cho nông dân.
Theo ghi nhận vào những ngày qua, việc mua bán cau non diễn ra khá nhộn nhịp ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chị Hồng, một chủ cơ sở thu mua cau ở thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) cho biết, bình quân mỗi ngày chị thu mua được 2-3 tấn cau non từ các lái buôn trong vùng. Từ số cau non thu mua, mỗi tháng chị xuất bán cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc khoảng 10 tấn cau khô. Hiện giá cau non thu mua tại cơ sở dao động 10.000 - 12.000 đồng/kg. Mỗi buồng cau trung bình 3-5 kg, nhưng có những buồng lớn 8-10 kg.
“Có bao nhiêu thì chúng tôi thu mua bấy nhiêu nhưng cũng không đáp ứng đủ cho thương lái ở phía Bắc. Thời điểm này, lò cau chúng tôi làm việc gần như hết công suất”, chị Hồng nói.
Trong khi đó, tại một lò sấy cau ở thôn Văn Vinh (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) do một người đàn ông tên Nhân làm chủ, cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Mỗi ngày lò này thu mua 3-4 tấn cau, từ nguồn hàng do các lái buôn ở trong vùng và những vùng lân cận bán lại.
Theo tìm hiểu, ngoài thị xã Ninh Hòa thì ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), các thương lái cũng ồ ạt mua cau non. Để có nguồn hàng cung cấp cho thương lái, nhiều người đã đổ xô đến các ngôi làng để lùng mua, có khi mua cả vườn cau với giá thỏa thuận. Trên địa bàn huyện Diên Khánh, một số xã có nhiều cau như: Diên Toàn, Suối Hiệp, Diên Lộc, Diên Sơn, Diên An…
“Trước đây có ai hỏi han gì đến cau đâu. Năm ngoái đến năm nay, không hiểu vì sao người ta lùng mua cau. Thấy giá cũng được hơn ngoài chợ, mình không bán thì nó rụng mất công quét”, một người dân cho biết.
Các thương lái khẳng định rằng, không có chuyện thu mua cau non là gây hại cho nông dân. Họ cho biết, cau non sau khi thu mua sẽ được luộc, sấy khô và bán sang Trung Quốc để làm kẹo cau. Một số thương lái cho hay, họ mua rồi bán cho thương lái phía Bắc để ăn “hoa hồng”.
Được biết, không phải đến năm nay, mà từ năm ngoái, tình trạng thu mua cau non “ồ ạt” bán sang Trung Quốc cũng từng diễn ra ở các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…
Trước hiện tượng “kỳ lạ” trên, các chuyên gia cho rằng, trước mắt các thương lái địa phương không nên thu mua ồ ạt vì nếu thương lái Trung Quốc dừng mua thì sẽ thua lỗ nặng.
Trong khi đó, người nông dân không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà chặt các cây trồng khác chuyển sang trồng cau. Các chuyên gia khẳng định, cây cau không phải là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian từ lúc trồng đến khi khai thác rất lâu, đầu ra cũng không ổn định.
Viết Hảo