1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp Việt đã ký bao nhiêu hợp đồng nhân chuyến công du của Tổng thống Obama?

(Dân trí) - Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, chuyến công du của Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều các lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Trên thực tế, nhiều hợp đồng kinh tế và thoả thuận hợp tác đã được doanh nghiệp hai bên ký kết.

Nhân chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam, chiều 23/5, AmCham và VCCI đồng tổ chức sự kiện tiếp xúc doanh nghiệp tại Hà Nội. Tại sự kiện này cũng sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận giữa một số doanh nghiệp hội viên của AmCham với các đối tác Việt Nam.

Trong đó, lễ ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch gồm có:

Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000 MW điện gió: Biên bản Ghi nhớ do Tập đoàn General Electric (GE) ký kết với Bộ Công Thương nhằm hợp tác trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo đó, mục tiêu chung của cả hai bên là phát triển tối thiểu 1.000 MW điện từ các dự án điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam.


Tập đoàn Hoa Kỳ General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam đã cùng ký kết hợp tác phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, 2 bên sẽ cùng phát triển ít nhất 1.000MW điện từ các trang trại điện gió mới cho tới năm 2025.

Tập đoàn Hoa Kỳ General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam đã cùng ký kết hợp tác phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, 2 bên sẽ cùng phát triển ít nhất 1.000MW điện từ các trang trại điện gió mới cho tới năm 2025.

Thỏa thuận đào tạo an toàn hạt nhân: Mỹ sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, trang bị kiến thức mua sắm hạt nhân, thiết kế xây dựng các nhà máy, cấp phép và kiểm tra độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân trong tương lai. Đồng thời, các chuyên gia Mỹ cũng sẽ tư vấn, minh bạch hiệu quả của công nghệ này cũng như lợi ích kinh tế khi phát triển.

Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty dầu Murph: Murphy đã tham gia khai thác dầu khí tại Việt Nam từ năm 2012, đang hợp tác khai thác khí ở khu vực Nam Côn Sơn. Biên bản này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên về dầu khí, liên doanh năng lượng, đẩy nhanh đàm phán dự án ở đảo Thổ Chu và nhiều hợp đồng khác.

Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân: Công ty Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân đã ký 2 hợp đồng lớn mua các tấm pin mặt trời với trị giá 35 triệu USD để phục vụ cho Dự án Nhà máy quang điện mặt trời của doanh nghiệp đã khởi công xây dựng giữa năm 2015. Nhà máy có công suất 19,2 MW với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 24 ha tại Quảng Ngãi.

Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota: Công ty điện Tín Thành hợp tác với doanh nghiệp Mỹ, đàm phán điều khoản liên quan đến thiết kế, xây dựng điện hơi đốt sinh khối. Tư vấn, thiết kế, kỹ thuật, giúp tiết kiệm điện 10-20%, giảm carbon 200.000 tấn mỗi năm.

Cùng với đó, doanh nghiệp hai bên đã cùng ký kết các biên bản ghi nhớ về Thay đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, Sáng kiến hợp tác nghiên cứu hạ nguồn Mekong…

Lễ ký kết các dự án đầu tư tương lai gồm có: Biên bản ghi nhớ The Grand Hồ Tràm Strip phát triển tháp khách sạn thứ 2; Biên bản ghi nhớ về Chương trình An toàn Giao thông.

Theo đó, The Grand Hồ Tràm Strip đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Công ty cổ phần xây dựng Cotec (CotecCons) về việc xây dựng mở rộng khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip giá trị 75 triệu USD.

Việc xây dựng tháp khách sạn thứ hai 559 phòng của The Grand sẽ do Tập đoàn CotecCons đảm trách, nâng tổng số lượng phòng khu phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip lên tới 1.100 phòng khi hoàn thiện.

Sau khi tòa khách sạn hoàn thành, tổng vốn đầu tư thực tế cho toàn dự án đã đạt đến con số 1 tỷ USD.

Ngoài ra, trong biên bản ghi nhớ về chương trình An toàn giao thông, Mỹ sẽ dành một quỹ đầu tư trị giá 1 triệu USD để giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn về vấn đề an toàn giao thông như tai nạn, tặng mũ bảo hiểm cho người dân... Theo đánh giá, tai nạn giao thông gây tổn thất lớn cả về người và tài sản cho người dân Việt Nam.

Sau buổi ký kết, các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ và VCCI đã tích cực thảo luận về các đề tài khác nhau liên quan đến quan hệ thương mại Việt - Mỹ, đặc biệt là các vấn đề về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phát triển nguồn năng lượng sạch, và các giải pháp bổ sung nhằm phát triển mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.


Hãng hàng không Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11,3 tỷ USD.

Hãng hàng không Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11,3 tỷ USD.

Trước đó, vào sáng 23/5, tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hãng hàng không Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11,3 tỷ USD. Một hợp đồng khác được hãng này ký kết cũng trong buổi lễ này với Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp lên tới 3,04 tỷ USD.

Theo đánh giá của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), chuyến công du của Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều các lĩnh vực; trong đó có kinh tế, tình hữu nghị giữa hai dân tộc, an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm.

“Thời điểm chuyến công du của Tổng thống Obama sang Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây chính là thời gian Quốc hội đang chuẩn bị xem xét để phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. AmCham tin tưởng rằng, TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các công ty, nhà đầu tư, người lao động, nông dân và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và Mỹ. Khi được triển khai đầy đủ, TPP sẽ mở đường cho nền kinh tế số, tăng cường sức mạnh cho các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới; góp phần tạo nên sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Adam Sitkoff nói.

Ngoài ra, theo ông Adam Sitkoff, AmCham cũng nhận thức rằng, TPP là một nhân tố tạo thay đổi cho Việt Nam và cho các doanh nghiệp hội viên của AmCham đang hoạt động ở Việt Nam. TPP sẽ đem đến nhiều chuyển biến quan trọng cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội mới giúp Việt Nam tăng tốc trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Theo lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ Obama, chiều nay (24/5/2016), ông sẽ gặp gỡ với một số doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam để thảo luận về lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại cho quan hệ hai nước như thúc đẩy tạo công ăn việc làm hay nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Cuộc gặp đặc biệt này sẽ diễn ra tại tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1 (TP.HCM), là nơi làm việc của 50-60 công ty với hơn 300 bạn trẻ khởi nghiệp (start-up).

Nguyễn Hiền

Doanh nghiệp Việt đã ký bao nhiêu hợp đồng nhân chuyến công du của Tổng thống Obama? - 3