1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đi vay vốn ngoại, "ông lớn" Nhà nước sẽ hết được "chở che"

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ giảm dần và tiến tới ngừng bảo lãnh vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế này được cho là sẽ giúp giảm áp lực nợ công cho Việt Nam, vốn đang gần chạm ngưỡng 65% GDP.

Việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho DNNN tiềm ẩn những rủi ro cho nợ công
Việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho DNNN tiềm ẩn những rủi ro cho nợ công

Theo thông tin từ ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đưa ra tại hội thảo "Đề xuất tài trợ của AFD bằng khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ”, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam sẽ giảm dần và tiến tới ngừng việc hỗ trợ thông qua bảo lãnh đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong vấn đề vay vốn cho sản xuất kinh doanh.

Cơ chế bảo lãnh chỉ tập trung vào các lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận, các lĩnh vực liên quan nhiều đến đời sống người dân như môi trường, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

"Những doanh nghiệp nhà nước đưa vốn sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực sinh ra lợi nhuận thì Chính phủ không hỗ trợ nữa và giảm dần bảo lãnh. Tiến tới, các doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines, Vinatex... Nhà nước sẽ không hỗ trợ và bảo lãnh nữa" - ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến, việc giảm dần hoặc không duy trì cơ chế bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vốn vay nước ngoài sẽ tạo động lực để doanh nghiệp phải tự tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài mà không cần cơ chế bảo lãnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cơ chế này cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện cơ chế quản trị, năng lực và sử dụng vốn hiệu quả.

"Trong thời gian tới, khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết có hiệu lực thì các doanh nghiệp sẽ cần phải dùng uy tín của bản thân để vay vốn ngoại, thay vì vẫn dựa vào uy tín đất nước như hiện nay" - ông Tiến cho hay.

Tuy nhiên, do phần vốn của Nhà nước vẫn nằm trong các doanh nghiệp nhà nước nên việc tiếp cận các nguồn vốn không có bảo lãnh của Chính phủ vẫn sẽ được Bộ Tài chính kiểm soát, đánh giá.

Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện rà soát một cách khắt khe, đánh giá tình hình tài chính, dòng tiền trong vòng 3 năm, phương án sử dụng vốn trong 10 năm tiếp theo, đồng thời sẽ thường xuyên kiểm tra trực tiếp.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Chúng tôi không quan trọng vấn đề trả nợ mà là sự đổi mới về quản trị". Theo đó, nếu doanh nghiệp có thể trả được nợ mà toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp lại không hiệu quả thì vẫn chưa phải là điều mà Chính phủ mong muốn.

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) - một trong những đơn vị tài chính cung cấp nguồn vốn vay không có bảo lãnh của Chính phủ, việc doanh nghiệp Nhà nước tiếp cận nguồn vốn vay mà không cần bảo lãnh của Chính phủ sẽ làm giảm áp lực nợ công của Việt Nam hiện đang gần chạm ngưỡng 65%.

Đồng thời, việc trực tiếp vay vốn sẽ đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp Nhà nước phải tự chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, xử lý rủi ro và dòng vốn trong thời gian tới.

Bích Diệp

Đi vay vốn ngoại, "ông lớn" Nhà nước sẽ hết được "chở che" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm