Dư nợ Chính phủ đã vượt trần
Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, tại Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 7/3...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi NSNN là 6,11%. Cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ bội chi NSNN trên GDP cao hơn Nghị quyết của Quốc hội. Dư nợ công của Chính phủ đến năm 2015 khoảng 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 43,1% GDP.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đánh giá, dù chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của Quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích, làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Nếu trả hết nợ sẽ không còn nguồn cho dự án mới
Trình bày kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự kiến trong 5 năm tới sẽ xử lý xong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) và thanh toán cơ bản số vốn ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong nhiều năm qua. Sau 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng XDCB; NSTW sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho các dự án lớn và nâng cao đáng kể hiệu quả đầu tư.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn NSNN còn hạn chế. Tổng mức NSTW trung hạn 5 năm 2016-2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng được khoản 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới.
Ngoài ra đối với các dự án của một số Bộ, ngành trung ương, địa phương có số nợ đọng XDCB, số vốn ứng trước nguồn NSTW lớn. “Nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác; thậm chí sẽ không còn nguồn để khởi công mới”, Bộ trưởng Vinh lưu ý.
Đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải
Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn NSNN trong giai đoạn này là 1.846.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển do các bộ ngành, địa phương đề xuất khoảng 4.000.000 tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn của NSNN. Nguyên tắc bố trí vốn dựa vào tổng mức vốn được quyết định, các bộ ngành, địa phương phân bổ 90% cho các dự án. 10% còn lại dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: “Tổng mức đầu tư theo báo cáo của Chính phủ mới chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thống nhất về số liệu. Các dự án quan trọng quốc gia mới chỉ dừng ở việc nêu khái quát về dự án, chưa có số liệu chi tiết, cụ thể về nhu cầu vốn, dự kiến bố trí cho từng năm và cho cả giai đoạn; chưa có số liệu tổng hợp, so sánh giữa nhu cầu vốn đầu tư và khả năng đáp ứng thực tế của từng vùng, miền, địa phương, lĩnh vực… dẫn đến thiếu căn cứ để xem xét, quyết định”.
Theo UBTCNS nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực. Do đó đề nghị Chính phủ cần xác lập trật tự ưu tiên, thu hẹp định hướng đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, phù hợp với khả năng cân đối vốn; lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho các dự án… bám sát các quy định của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, cơ cấu lại nguồn vốn, tạo bước chuyển đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư; thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý khi xảy ra các sai phạm trong đầu tư công.
Vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN tập trung vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia; sử dụng vốn NSNN với vai trò là nguồn vốn đầu tư mang tính kích thích, hướng dẫn để khai thác tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác.
Ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp
Về nguyên tắc phân bổ vốn phải hạn chế bố trí vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trụ sở cơ quan chưa thật cấp thiết; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các công trình khắc phục biến đổi khí hậu, chống khô hạn….; các dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua; kiểm soát chặt chẽ vốn vay ODA, các khoản vay ODA phải nằm trong kế hoạch và được dự toán, khắc phục tình trạng vay vốn ODA tràn làn, không tính đến hiệu quả chung của nền kinh tế…
Các ý kiến cơ bản đồng tính với phương án bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN tập trung giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ là 2.106 nghìn tỷ đồng (bao gồm 260 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ). Theo ông Phùng Quốc Hiển, mức bố trí vốn đầu tư phát triển này là hợp lý trong điều kiện cân đối NSNN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. “Đề nghị Chính phủ phấn đấu tăng quy mô thu để có thêm nguồn dành cho chi đầu tư phát triển”, ông Hiển nói.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc giữ lại 5% dự phòng, để lại 10% chưa phân bổ và việc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục để dự phòng. Ông Hiển cho rằng để lại quá nhiều tầng nấc dự phòng, không phân bổ hết sẽ dễ gây lãng phí và xảy ra tình trạng “xin-cho”. Do đó, đề nghị để lại mức dự phòng là 10% ở NSTW, còn lại cần phân bổ hết cho các bộ, ngành địa phương để chủ động bố trí vốn đầu tư.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, nếu các vấn đề của báo cáo kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 chưa rõ ràng thì Quốc hội sẽ khó thông qua. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, thuế không thể tăng thêm được. Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các bộ ngành rà soát lại các ý kiến, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến.
Theo Thu Hà - Chiến Thắng
Quân đội Nhân dân