Dân 19 nước bán điện không hết, Việt Nam vẫn lo xây thuỷ - nhiệt điện
(Dân trí) - Trong khi điện gió, điện mặt trời ngày càng rẻ, 19 nước trên thế giới đã mua điện mặt trời của dân với giá rẻ hơn điện bán lẻ. Còn giá mua điện gió và điện mặt trời của Việt Nam đang ở mức cao hơn thế giới, song chủ trương Bộ ngành vẫn muốn thuỷ - nhiệt điện, gây nhiều hệ luỵ cho môi trường, sinh thái.
Theo một báo cáo về hiện trạng phát triển thủy điện của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), để xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, phải thu hồi khá nhiều rừng, bình quân 1 MW thủy điện chiếm dụng khoảng 7,41 ha đất, trong đó có hơn 2,7 ha đất rừng, còn lại là các loại đất khác.
Cũng theo các chuyên gia VEA, các loại điện gió, điện mặt trời hiện nay đang có chi phí ngày càng rẻ đi do công nghệ thế giới thay đổi và nguồn cung nhiều hơn. Đơn cử, điện gió trên đất liền hiện là một trong những nguồn điện có chi phí thấp trong các nguồn năng lượng tái tạo, bình quân trên thế giới giá trung bình khoảng 6 - 9 cent/kWh, những dự án điện gió tốt có giá 5 cent/kWh không phải nhờ đến sự hỗ trợ giá của các Chính phủ.
Những năm gần đây, giá tuabin gió các nước phát triển đã giảm 30 - 35%, suất đầu tư trung bình của điện gió trên đất liền khoảng 1.300 đến 2.250 USD/kWh, riêng Trung Quốc và Ấn Độ có suất đầu tư thấp nhất trên thế giới.
Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi cũng giảm xuống, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2050 suất đầu tư điện gió sẽ giảm nhanh, điện gió trên bờ 25% và điện gió ngoài khơi là 45%.
Tại Việt Nam, theo tính toán của VEA, năm 2020 giá điện gió đất liền vào khoảng 7,11 cent/kWh, điện than là 60 USD/tấn, điện gió sẽ kinh tế hơn nhiều so với điện than. Trường hợp giá điện gió đất liền 7,8 cent/kWh, các nhà máy điện gió có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, giá pin quang điện trên thế giới đã phát triển ở thời đại thứ 3, công nghệ màng mỏng giúp tăng hiệu thế. Giá mô-đun năng lượng mặt trời đã dịch chuyển từ Mỹ, Nhật, EU sang châu Á và hiện Trung Quốc chiếm hơn 67% sản lượng pin quang điện của thế giới và cũng là nhà sản xuất điện mặt trời, điện gió lớn nhất thế giới.
Cũng theo ông này, mô-đun năng lượng mặt trời hiện đã giảm bình quân 14% mỗi năm, giá trung bình năm 2014 chỉ khoảng 0,6 USD/Wp (công suất phát điện cực đại). Chính vì chi phí sản xuất giảm nên điện từ năng lượng mặt trời đã cạnh tranh rất mạnh so với điện từ hóa thạch ở nhiều nước.
Tại Úc, Brazil, Đan Mạch, Đức, Ý chi phí mỗi kWh điện năng mặt trời trên mái nhà của hộ gia đình đã cạnh tranh được với giá điện bán lẻ của quốc gia. 19 nước trên thế giới hiện năng lượng mặt trời đã đủ sức cạnh tranh với điện bán lẻ mà không cần Nhà nước hỗ trợ.
Tại Brazil, Ấn Độ, Chile đã tổ chức đấu thầu cho một số dự án năng lượng mặt trời, kết quả giá điện rất thấp, chỉ 3- 4 cent/kWh là đã có thể mua được điện của tư nhân, người dân. Theo ông Ngãi, tại Việt Nam, với giá mua điện 9,35 cent/kWh, như vậy đã là tốt, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thực tế, năm 2015, điện sản xuất và mua của Việt Nam đạt khoảng 160 tỷ kWh, điện tái tạo đạt khoảng gần 39%, trong đó thủy điện chiếm hơn 38%, 07% điện tái tạo thuộc về điện gió, điện sinh khối; tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong năm 2016.
Theo mục tiêu định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kịch bản năm 2020 công suất năng lượng tái tạo sẽ đạt 10% tổng công suất phát điện của Việt Nam, năm 2030 là hơn 21%.
Tuy nhiên, hiện tiềm năng thủy điện Việt Nam hiện đã đạt trên 95% (khoảng 824 dự án nhà máy, tổng công suất hơn 24.800 MW; các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt trên 86% về công suất. Trong quy hoạch, cả nước hiện có hơn 316 dự án được lập, trong đó thủy điện nhỏ chiếm hơn 97%, ước đạt 3.400 MW.
Để gia tăng công suất đóng góp của các nhà máy điện tái tạo, phải tăng cường tỷ lệ đóng góp điện của điện mặt trời, điện gió. Giải pháp thực hiện quyết liệt không chỉ là vấn đề giá mà phải có quỹ đất sạch cho doanh nghiệp.
Nguyễn Tuyền